Trước tình hình các loài hoang dã nguy cấp trên thế giới bị buôn bán bất hợp pháp và không bền vững, chính phủ các nước tại hội nghị CITES đã đồng lòng đưa ra một loạt các biện pháp cứng rắn nhằm bảo vệ tốt hơn nhiều loài đang bị đe doạ, đồng thời tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề săn bắn và buôn lậu các loài hoang dã hiện đang phát triển rầm rộ.
Đặc biệt, các quyết định và thông cáo quan trọng của hội nghị là về các loài bị buôn bán trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong đó có ngà voi, sừng tê giác, tê tê và hổ.
Cùng tới Nam Phi tham dự cuộc họp lớn nhất từ trước tới nay về buôn bán động vật hoang dã – Hội nghị các bên lần thứ 17 (CoP17) của Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã Nguy cấp (CITES) – hơn 180 quốc gia đã biểu quyết đồng ý duy trì lệnh cấm buôn bán ngà voi và sừng tê giác trên toàn thế giới, đồng thời ban hành lệnh cấm toàn cầu về buôn bán các loài tê tê và vẹt xám châu Phi. Việt Nam là một trong những điểm đến chính của sừng tê giác, khiến hàng trăm cá thể tê giác bị giết hại mỗi năm, đặc biệt tại Nam Phi. CITES khiến cho chính phủ Việt Nam và Mozambique hiểu rằng họ sẽ phải kiểm soát được nạn buôn bán sừng và sản phẩm từ sừng tê giác trong vòng một năm tới hoặc sẽ phải đối mặt với nguy cơ cấm vận do các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã trên toàn cầu đề xuất.
Các quốc gia tại Hội nghị cũng kêu gọi các nước có thị trường nội địa tiêu thụ ngà voi và tiếp tay cho các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã – như Thái Lan – ban hành các luật, quy định và biện pháp thực thi pháp luật cần thiết để đóng cửa khẩn cấp các thị trường nội địa.
Chính phủ Lào tuyên bố sẽ đóng cửa các trang trại nuôi nhốt hổ - đây là một bước tiến đáng ca ngợi giúp đảm bảo 700 cá thể hổ hiện đang sống trong các trại nuôi nhốt tại Lào sẽ không trở thành đầu vào cho đường dây buôn bán trái phép các sản phẩm từ hổ. Đây thực sự là một cơ hội để chính phủ Lào quay lại danh sách các quốc gia còn hổ sinh sống ngoài tự nhiên bằng cách nghiên cứu các khả năng tái thả hổ trở về các khu Bảo tồn Đa dạng Sinh học Quốc gia – hồi sinh các cánh rừng của Lào.
Hội nghị cũng đã đưa ra những quy định chặt chẽ về buôn bán các loài cá mập đuôi máy đập, cá mập lụa, cá đuối quỷ và gỗ cẩm lai.
“Với rất nhiều loài hoang dã trên thế giới đang bị đe doạ bởi nạn săn trộm và buôn bán không bền vững, chính phủ các nước đã đưa ra những động thái quyết liệt tại Johannesburg và đạt được những thành công quan trọng trong vấn đề về ngà voi, sừng tê giác và hổ,” ông Teak Seng, Giám đốc Chương trình Bảo tồn của WWF-Greater Mekong cho biết. “Hội nghị không chỉ là những thông báo về sự cấp bách trong việc bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp mà còn củng cố các biện pháp thực thi pháp luật nhằm đảm bảo các quy định về buôn bán không chỉ có hiệu lực trên giấy tờ.”
Trong chương trình nghị sự dày nội dung kỷ lục, các phái đoàn cũng thống nhất được nhiều biện pháp quan trọng để gia tăng nỗ lực toàn cầu chống buôn bán các loài hoang dã bất hợp pháp và không bền vững.
Cùng với việc kêu gọi đóng cửa các thị trường buôn bán ngà voi đang tiếp tay cho nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, các nước cũng hỗ trợ quá trình thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về Ngà voi (NIAP) do CITES thực thi, chỉ ra các quốc gia hiện đang là mắt xích quan trọng để đóng cửa thị trường buôn bán ngà voi nhưng hiện đang yếu kém trong quá trình thực thi.
Quan trọng không kém, các quốc gia đã thông qua các biện pháp tăng cường các cơ chế truy xuất nguồn gốc – là điểm cốt lõi cho những nỗ lực phát triển ngành thuỷ sản bền vững cho các loài cá mập và cá đuối, thắt chặt các quy định liên quan tới các trang trại nuôi nhốt hổ và buôn bán các loài sinh sản trong nuôi nhốt. Điều này sẽ giúp ngăn chặn việc tìm cách hợp pháp hoá các cá thể bị bắt trong tự nhiên thành các cá thể nuôi nhốt.
“Đã có những cuộc đàm phán khiến mọi người kiệt sức nhưng cuối cùng một hệ thống buôn bán các loài hoang dã toàn cầu chặt chẽ hơn đã ra đời và các quốc gia cũng thể hiện cam kết hành động của mình mạnh mẽ hơn, và quan trọng hơn cả đó là Hội nghị đã khiến các quốc gia phải chịu trách nhiệm về hoạt động của nước mình.” Bà Theressa Frantz, đồng trưởng phái đoàn tham dự CITES CoP17 của WWF cho biết. “Các điều khoản cấm gây chú ý đối với mọi người nhưng chỉ những thực thi nghiêm ngặt mới tạo ra sự thay đổi. Các quốc gia không thể nguỵ biện nữa: giờ họ đã có các công cụ bao trùm hơn và cả thế giới mong đợi vào việc thực thi và trách nhiệm giải trình của họ.”
Lần đầu tiên, Hội nghị cũng chính thức tranh luận và thông qua các nghị quyết về nhiều vấn đề liên ngành trọng yếu liên quan tới buôn bán các loài hoang dã, trong đó có vấn đề tham nhũng và giảm nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã nguy cấp và các sản phẩm làm từ các bộ phận của chúng.
Bà Frantz khẳng định: “Đây là một cuộc họp lớn nhất và tham vọng nhất của CITES, đồng thời, cũng thành công nhất. Giờ đây, các quốc gia cần phải biến những cam kết mạnh mẽ tại Johannesburg thành những hành động cứng rắn.”