Hồ Lắk phát triển du lịch sinh thái bền vững

Cập nhật: 03/11/2016
Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) huyện Lắk, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 56km về phía Nam theo quốc lộ 27. Hồ rộng trên 5km², được thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thẳm, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao, các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú.
Hồ Lắk. Ảnh: TITC
 
Hội đủ tiềm năng du lịch sinh thái
 
Loài đặc hữu tại khu du lịch hồ Lắk là voi có giá trị về kinh tế (phục vụ nông nghiệp, du lịch) và văn hóa truyền thống. Sự đa dạng sinh học tại hồ Lắk được các nhà khoa học đánh giá ở mức độ trung bình.
 
Du khách đến hồ Lắk có thể tham quan, ngắm cảnh núi rừng Tây Nguyên, cảnh đồng bằng nằm len lỏi, ẩn hiện sau chân núi. Từ biệt thự Bảo Đại về đêm, du khách có thể đắm chìm trong không gian yên tĩnh của núi rừng mà nhìn xuống thị trấn Liên Sơn - một thị trấn vừa rực rỡ ánh đèn vừa trầm tĩnh. Xa xa là ánh đèn từ buôn Jun của người M’Nông như điểm sáng cho một vùng trời mờ nhạt sương phủ.
 
Du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan là ba loại hình du lịch đang được khai thác tại khu du lịch hồ Lắk. Trong đó, thế mạnh thuộc về loại hình du lịch nghỉ dưỡng.
 
Tại đây, thời gian hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi (thời vụ du lịch) vào khoảng đầu tháng 2 đến cuối tháng 6 (tức khoảng 150 ngày). Thời gian có điều kiện khí hậu thích hợp cho sức khỏe con người khoảng đầu tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau (tức khoảng 180 ngày). Hai chỉ tiêu này đã phản ánh rằng: khu du lịch hồ Lắk có thời gian hoạt động khá dài và khá thuận lợi.
 
Môi trường nước ở hồ Lắk chịu sự ô nhiễm ngày càng tăng. Đầu tiên là rác và nước thải y tế từ bệnh viện thị trấn Liên Sơn. Các chất thải này chưa được xử lý mà thoát trực tiếp ra hồ. Tiếp theo là chất thải từ nhà giặt của resort. Hóa chất xử lý vải, chất bẩn trong quá trình sử dụng buồng từ du khách thải trực tiếp xuống hồ. Sau cùng là rác thải sinh hoạt từ cộng đồng dân cư xung quanh hồ Lắk. Ba nguồn ô nhiễm đó đủ để hồ Lắk mất dần sự tinh khiết, mất dần vẻ đẹp của Liên Sơn (sen núi). Nếu tình trạng ô nhiễm như thế cứ tiếp diễn thì môi trường nước có thể bị phá hoại và điều tất yếu là sẽ có một số loài sinh vật trong hồ bị tiêu diệt do môi trường sống bị thay đổi. Điều này có thể xảy ra trong khoảng hơn 50 năm nữa. Mức độ bền vững của môi trường tự nhiên hiện nay ở hồ Lắk ở mức trung bình.
 
Du lịch hồ Lắk đã đóng góp vào kinh tế - xã hội và môi trường của vùng thông qua các hoạt động hỗ trợ dân cư bị lũ lụt, các quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương…
 
Như vậy, có thể nói tài nguyên du lịch tự nhiên hồ Lắk đang trong tình trạng khá tốt, còn nhiều khả năng để khai thác. Mặt khác, tài nguyên du lịch nhân văn với giá trị văn hóa bản địa đang liên kết chặt chẽ với tài nguyên du lịch tự nhiên tạo nên sức hút lớn đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Tài nguyên du lịch nhân văn còn mang đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Môi trường địa chất đang trong tình trạng ổn định, không có hiện tượng sụt lún hay lở núi, động đất. Môi trường không khí trong lành, không bị ô nhiễm từ khí thải công nghiệp như ở các thành phố lớn. Môi trường sinh thái hiện trong tình trạng phát triển tốt, ít xảy ra các sự cố về môi trường: mưa bão, cháy rừng… Tuy nhiên, môi trường nước đang dần bị ô nhiễm, do đó cần có biện pháp khắc phục: không thải chất thải y tế xuống hồ, không xả rác ven hồ, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường sống...
 
Các biện pháp bảo tồn hiện đang áp dụng
 
Sự quản lý khu du lịch chủ yếu tập trung vào các giải pháp bảo tồn tài nguyên du lịch với các hoạt động cụ thể như: bảo vệ cây xanh của khu du lịch luôn trong tình trạng tươi tốt để giữ bầu không khí trong lành, hưởng ứng các phong trào hành động vì môi trường (trồng cây xanh, thu gom rác thải…). Ngoài ra khu du lịch còn ưu tiên tạo việc làm cho lao động địa phương nhằm gián tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.
 
Hồ Lắk với sự phát triển du lịch bền vững
 
Khai thác tiềm năng, da dạng hóa sản phẩm du lịch
 
Khu du lịch hồ Lắk có thế mạnh về khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với loại hình du lịch sinh thái. Do vậy, lãnh đạo khu du lịch cần chú ý tập trung đầu tư cho loại hình du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng một cách song song bền vững.
 
Với nguồn lực sẵn có về tài nguyên du lịch và phương tiện vận chuyển (xe đạp địa hình), khu du lịch hồ Lắk có thể khai thác thêm loại hình du lịch thể thao.
 
Tiếp tục củng cố đội voi, đội thuyền, đội văn nghệ cồng chiêng, tu sửa nhạc cụ văn nghệ cồng chiêng, tu sửa cầu thang voi ở buôn M’Liêng, sửa chữa nhà dài buôn Jun, sửa lại mái và sàn hai nhà dài khu resort. Khắc phục sự cố hệ thống Internet, hệ thống Parabol, hệ thống tổng đài nội bộ.
 
Việc đầu tiên là nâng cao chất lượng phục vụ tại khu du lịch. Thứ hai, chú ý sự biến đổi của môi trường du lịch để có hướng khắc phục, sửa chữa kịp thời. Thứ ba, mở rộng, khai thác thêm các hình thức vui chơi, giải trí nhằm tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch. Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động marketing khu du lịch để du khách nhận biết sản phẩm dịch vụ của khu du lịch, thu hút khách đến du lịch hồ Lắk. Thứ năm, đầu tư đồng bộ trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Thứ sáu, liên kết với các điểm/khu du lịch khác để tạo tuyến du lịch liên kết chặt chẽ và bền vững.
 
Một số dịch vụ du lịch cần đẩy mạnh khai thác là: dịch vụ cưỡi voi thăm buôn làng; dịch vụ giao lưu, tìm hiểu cồng chiêng và không gian văn hoá cồng chiêng; dịch vụ đi thuyền độc mộc; dịch vụ cho thuê xe đạp…
 
Trang bị xe đạp có chất lượng tốt cho khu du lịch để phục vụ du khách.
 
Thường xuyên kiểm tra xe, bảo trì để tránh xe bị rỉ, hư hỏng để đảm bảo an toàn cho khách khi sử dụng dịch vụ này.
 
Đảm bảo cho việc phát triển bền vững du lịch sinh thái ở hồ Lắk
 
Có hoạt động giáo dục và diễn giải môi trường nhằm nâng cao hiểu biết về môi trường cho du khách, qua đó tạo ý thức tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
 
Để phát triển du lịch bền vững, cần bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái; tạo việc làm và mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương; khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách bền vững; hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải; phát triển du lịch gắn liền với việc bảo tồn tính đa dạng sinh học; phát triển du lịch phải phù hợp với tổng thể kinh tế xã hội; thường xuyên trao đổi, tham khảo ý kiến với cộng đồng địa phương và các đối tượng có liên quan (các cơ quan chuyên ngành, các cơ quan quản lý); tăng cường quảng bá, tiếp thị một cách có trách nhiệm; thường xuyên tiến hành công tác nghiên cứu nhằm đảm bảo hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của khu du lịch; mở rộng thị trường thu hút du khách.
 
Tăng cường quan hệ hợp tác, liên kết với các công ty nước ngoài; tuyên truyền quảng bá về du lịch Đắk Lắk thông qua các hội chợ, triển lãm du lịch trong nước và quốc tế, xây dựng các ấn phẩm, băng đĩa hình, thông tin trên mạng internet.
 
Phát triển nguồn nhân lực
 
Đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ hiểu biết văn hóa, lịch sử, có ngoại ngữ, biết giao tiếp văn minh lịch sự để quản lý tốt, hướng dẫn, thuyết minh, hấp dẫn du khách.
 
Liên kết chặt chẽ giữa các cấp, các bộ phận nhằm tạo thành một thể thống nhất để tạo ra sản phẩm du lịch đồng nhất với chất lượng cao. Việc thường xuyên trao đổi, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho nguồn nhân lực cũng là việc cần thiết để nâng cao tay nghề và chất lượng phục vụ, đem lại hiệu quả cao trong hoạt động du lịch.
 
Khu du lịch hồ Lắk được xem như điểm nhấn của du lịch Đắk Lắk vì có tài nguyên du lịch đặc thù: cảnh quan tự nhiên đẹp, mang đậm đà bản sắc văn hóa bản địa. Nguyên nhân để tiềm năng chưa được khai thác đúng mức là công tác quản lý và chất lượng nguồn nhân lực của khu du lịch chưa tương xứng. Vì vậy, việc cần thiết cấp bách là nâng cao chất lượng phục vụ tại khu du lịch, đầu tư đồng bộ trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đẩy mạnh công tác quản lý, vai trò trách nhiệm của từng thành viên trong khu du lịch.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Mai Thị Thùy Dung (2007). Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk theo hướng bền vững. Trường Đại Học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh.
 
2. Nguyễn Văn Dung (2009). Chiến thuật và chiến lược Marketing du lịch. NXB Giao Thông Vận Tải.
 
3. Trung Nguyên (2005). Phương pháp luận nghiên cứu. NXB Lao Động Xã Hội.
 
4. Đặng Văn Phan (2006). Địa lý kinh tế xã hội Việt Nam thời kỳ hội nhập. NXB Giáo Dục.
Trần Thanh Thảo Uyên
Nguồn: vtr.org.vn