Nở rộ xu hướng du Xuân đến vùng núi Tây Bắc thưởng hoa rừng

Cập nhật: 08/02/2017
Người Việt Nam từ xưa đã có phong tục du Xuân sau Tết Nguyên đán. Ngày nay, khi cuộc sống đã sung túc hơn, nhiều gia đình hay chọn cách đi du lịch vào mùa Xuân theo hai xu hướng chính. Một là hành hương tới các đền, chùa để du lịch tâm linh đầu năm. Những người trẻ tuổi thường chọn tới Tây Bắc vào Xuân bởi đây là mùa hoa đào, hoa mận nở, không khí vùng cao đặc trưng với nhiều lễ hội đặc sắc mà miền xuôi không thể có được...
Thung lũng hoa mận tại xã Chiềng Cọ. (Ảnh Công Luật/TTXVN)
 
Xu hướng chọn đi tour
 
Ngày nay, điều kiện sống của nhiều người dân, nhất là ở thành phố đã khá hơn trước rất nhiều. Đi du lịch họ thường chọn mua tour từ các đơn vị lữ hành có tiếng để thực sự được nghỉ ngơi, hưởng thụ.
 
Nắm bắt được nhu cầu này, các hãng lữ hành đều xây dựng tour du lịch cung đường Tây Bắc với lịch trình linh động từ 2-4 ngày với các mức giá khác nhau để du khách lựa chọn.
 
Bà Phạm Thanh Tâm, Trưởng Bộ phận phát triển sản phẩm nội địa Công ty Vietrantour, cho biết năm nay, công ty chào bán nhiều chương trình du Xuân Tây Bắc và chùm tour lễ Phật đầu năm kết hợp tham quan, du ngoạn thắng cảnh.
 
Bên cạnh những tour truyền thống như Tràng An-Chùa Bái Đính-Thung Nham-Hoa Lư; Yên Tử-Hạ Long-Chùa Ba Vàng-Cửa Ông, năm nay Công ty đưa vào khai thác tour Thái Nguyên-Đền Đuổm-Chùa Hang kết hợp nghỉ tại khu du lịch sinh thái Thái Hải hay tour Tuyên Quang đi lễ kết hợp tham quan Khu du lịch sinh thái Na Hang.
 
Anh Bùi Huy Tú, người điều hành hãng lữ hành The Sinh Tourist (Sinh càphê), chia sẻ sau Tết, công ty thường xuyên đưa khách đi du lịch Tây Bắc bởi vùng này rất đẹp vào mùa Xuân, số lượng khách không đông nên dễ đảm bảo chất lượng phục vụ. Để đảm bảo luôn có tour khởi hành hàng ngày, các hãng lữ hành đã kết hợp với nhau tổ chức tour ghép. Nhờ thế mà giá thành tour cũng thấp hơn, chất lượng vẫn được đảm bảo.
 
Chị Ngô Thị Hồng Tú (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã đặt gói đi du lịch Mộc Châu 2 ngày 1 đêm cho đại gia đình gồm bảy người lớn và ba trẻ nhỏ. Chị Tú chia sẻ Tết mọi người bận rộn chuẩn bị đónTết, dọn dẹp, ăn uống suốt cả tuần nên Tết xong gia đình chị thường nghỉ ngơi và tận hưởng không khí Xuân. Do gia đình có cả người lớn tuổi và trẻ nhỏ, nên tour du Xuân nhà chị sẽ lược bỏ một vài hạng mục của gói du lịch, đồng thời yêu cầu xe di chuyển riêng và phòng khách sạn riêng. Tất cả yêu cầu của khách hàng đều được các hãng lữ hành linh động và nhanh nhạy phục vụ.
 
Gia đình ông Phạm Chí Hiếu sinh sống tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay đã ra miền Bắc để đón Tết, tận hưởng những nét khác biệt của Tết Nguyên đán miền Bắc. Do không có người thân ngoài Bắc nên gia đình ông sử dụng các dịch vụ của các công ty du lịch.
 
Ông Hiếu cho biết gia đình ông đi chơi chín ngày và lựa chọn đến ba điểm, trong đó hai điểm ở vùng núi Tây Bắc là Sapa, Hòa Bình và một điểm du lịch tâm linh khu vực Tràng An-Bái Đính (Ninh Bình). Gia đình ông khá hài lòng với không khí đặc trưng của vùng miền núi, đầy sương mù mỗi sáng và vẫn có cái ấm nóng của nắng buổi trưa. Đặc biệt là hoa nở khắp nơi, người dân địa phương thân thiện.
 
Trong mấy ngày Tết, các hãng lữ hành có thu thêm phụ phí nhưng không đáng kể, khoảng 100.000 đồng/người/ngày để bù chi phí phục vụ, thực phẩm tăng giá hơn ngày Tết.
 
Chị Hồ Thị Lệ, nhân viên khu nghỉ dưỡng Mai Chau Ecolodge (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cho biết những ngày cuối tuần, khu vực khách sạn và nhà nghỉ ở đây đều thu hút rất đông du khách. Do đó, nếu không đặt phòng hoặc đặt tour sớm, rất có thể du khách sẽ không thể tìm được phòng nghỉ.
 
Những điểm đến hấp dẫn của Tây Bắc
 
Mùa Xuân, khu vực Tây Bắc khoác lên mình chiếc áo đẹp nhất, rạng ngời nhất với mầu trắng hoa mận, hoa mơ, mầu hồng hoa đào, xen lẫn hoa cải vàng, tím hồng của tam giác mạch. Khi tham gia các chương trình tour lên đây, bên cạnh việc hòa mình với không gian đầy sắc hoa của núi rừng Tây Bắc thì du khách còn được tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân địa phương. Không còn gì thú vị hơn việc đi bộ đến các bản làng, thị trấn trung tâm của đồng bào các dân tộc thiểu số, hòa mình vào những sắc màu thổ cẩm, trang phục truyền thống và hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo của các dân tộc.
 
Theo hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Xuân Trường, Tây Bắc có rất nhiều điểm du lịch đặc sắc và độc đáo. Sapa với đỉnh Fansipan đã rất nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Những bản người Mông gọi khách với điệu múa, tiếng khèn dạt dào cảm xúc, vang vọng trong không gian mờ sương của núi rừng. Đó chính là điều thu hút du khách từ khắp nơi đổ về đây để tận hưởng không khí Tết vùng cao.
 
Thung lũng Mai Châu với vẻ đẹp thơ mộng, không khí trong lành mát mẻ, văn hóa đa dạng, phong phú và nét ẩm thực đặc trưng của đồng bào vùng cao cũng được nhiều khách du lịch lựa chọn cho tour trong ngày hoặc 2 ngày 1 đêm. Đặc biệt, bản Lác có hoạt động đốt lửa trại, trình diễn các điệu múa dân tộc để du khách tạm quên đi những bộn bề cuộc sống hàng ngày, hòa vào cuộc sống rất đỗi thanh bình của con người nơi đây. Một ngày sẽ diễn ra vô cùng chậm với du khách khi đạp xe dọc các bản, ngắm nhìn người dân xuống đồng cấy lúa Xuân, thưởng thức những sản vật của vùng núi như thịt nướng, cơm lam, măng rừng...
 
Ngoài ra, nếu có thời gian, từ Mai Châu du khách có thể tiếp tục hành trình đến Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nhiều nét hoang sơ.
 
Mộc Châu với những chảng hoa tuyệt đẹp hoa cải, hoa đào, hoa mận, hoa dã quỳ, hoa trạng nguyên đã tạo nên sự hấp dẫn rất riêng. Khách du lịch Mộc Châu có thể cưỡi ngựa đi giữa rừng hoa...
 
Hà Giang - điểm cực Bắc của Tổ quốc, cuốn hút lòng người với những rặng núi đá vôi hùng vĩ, cao nguyên Đồng Văn huyền thoại bên bờ sông Lô, những cung đường uốn lượn, những ruộng bậc thang đẹp như tranh, nhà Vương trầm mặc, phố cổ Đồng Văn, và chợ tình Khâu Vai đậm sắc màu vùng cao.
 
Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang... dù đều thuộc vùng núi Tây Bắc, nhưng cảnh vật và đặc biệt văn hóa của các dân tộc tại các địa phương có sự khác biệt, tạo ra nét đặc sắc cho mỗi địa danh nơi đây./.
 
NGỌC BÍCH
Nguồn: vietnamplus.vn