Không có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch (DL) biển như Bình Thuận hay Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng Bình Dương lại được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan thiên nhiên rất đẹp nhờ có 3 con sông lớn chảy qua địa bàn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé. Ngoài phát triển du lịch sinh thái (DLST) gắn với sông ngòi, Bình Dương còn có tiềm năng phát triển các loại hình DLST khác.
Đa dạng các loại hình DL sinh thái
Là tỉnh có hệ thống sông ngòi bao quanh, với 3 con sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để xây dựng những khu du lịch nghỉ dưỡng, DLST dọc theo các con sông, đồng thời vừa có thể phát triển loại hình DL khác gắn liền với sông nước. Với lợi thế đó, nhiều địa phương trong tỉnh nằm dọc các con sông có điều kiện phát triển DLST, như vườn cây ăn trái Lái Thiêu (gồm các phường Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh và xã An Sơn, TX.Thuận An), Cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên)…
Hồ Dầu Tiếng, suối Trúc, hồ Cần Nôm… là những địa điểm đang thu hút du khách đến tham quan. Trong ảnh: Khách tham quan hồ Dầu Tiếng Ảnh: HOÀNG PHẠM
Với vườn cây ăn trái Lái Thiêu - vốn nổi tiếng cả nước về DL miệt vườn - sinh thái, để tiếp tục phát huy tiềm năng DL, TX.Thuận An đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 15-8-2011 của Thị ủy Thuận An về đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng gắn với cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây ăn trái đặc sản để phát triển DL các xã, phường ven sông Sài Gòn đến năm 2015 và Kế hoạch thực hiện Chương trình số 07-Ctr/TU ngày 15-4-2016 của Thị ủy Thuận An về đầu tư, phát triển nông nghiệp đô thị; giữ vững và nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020.
Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch UBND TX.Thuận An, cho biết qua việc triển khai các kế hoạch này đã góp phần phát triển DLST trên địa bàn, trên cơ sở bảo tồn, giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa địa phương; đồng thời tạo sự đồng bộ kết cấu hạ tầng với sự phát triển của vườn cây và DLST.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua các địa phương trong tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển DLST theo tiềm năng và lợi thế riêng của mình. Cụ thể như Trung tâm Bảo tồn sinh thái Phú An (làng tre Phú An, TX.Bến Cát), Khu du lịch sinh thái Hồ Nam (TX.Tân Uyên), khu vực hồ Dầu Tiếng, suối Trúc, hồ Cần Nôm (huyện Dầu Tiếng)…
Đánh thức tiềm năng
Để khai thác tiềm năng DL nhờ vào vị trí địa lý và ưu đãi của thiên nhiên, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch phát triển các sản phẩm DL đặc thù, trong đó đặc biệt là những sản phẩm DLST và sông nước. Theo đó, với thương hiệu “miệt vườn Lái Thiêu” nổi tiếng từ lâu, Bình Dương có điều kiện thuận lợi để hình thành những sản phẩm đặc thù hấp dẫn khách DL. Các sản phẩm dịch vụ chính bao gồm: thưởng thức trái cây, câu cá, tham quan vườn cây, đi thuyền trên kênh rạch…
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), các loại hình DL được tỉnh Bình Dương tập trung đầu tư trong giai đoạn năm 2016-2020 gồm DL kết hợp tổ chức sự kiện, DL mua sắm, DLST, DL thể thao cao cấp, DL văn hóa truyền thống. Trong đó, DLST sẽ được tập trung phát triển ở khu vực ven miệt vườn Lái Thiêu, khu vực hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm, Cù lao Bạch Đằng… với những sản phẩm đặc thù theo lợi thế của từng địa phương.
Một lợi thế cần nói đến là măng cụt Lái Thiêu và bưởi Bạch Đằng đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể. Đây là bước đi quan trọng để khẳng định thương hiệu trái cây của Bình Dương, đồng thời là cơ sở để phục hồi lại thời hoàng kim của trái cây trong tỉnh, vốn đã bị ảnh hưởng do nhiều lý do khác nhau. Ông Trương Công Thạch, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An, cho biết những năm trước đây, măng cụt Lái Thiêu bị cạnh tranh gay gắt về giá do măng cụt từ các địa phương khác nhập về bán với giá thấp. Hiện nay, với việc công bố nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu là cơ hội làm ăn mới cho nông dân các xã, phường ven sông Sài Gòn, giúp đánh thức tiềm năng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm măng cụt so với các địa phương khác trong cả nước. Qua đó cũng góp phần phát triển lại thương hiệu DL miệt vườn Lái Thiêu.
Tăng cường liên kết “3 nhà”
Theo các chuyên gia, để phát triển DLST nói riêng và ngành DL nói chung, không chỉ trông chờ vào lợi thế, tiềm năng DL của địa phương, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa “3 nhà” (nhà nước - doanh nghiệp-nhà vườn); trong đó vai trò của chính quyền địa phương là yếu tố tiên quyết. Các nhà vườn ở Lái Thiêu, Bạch Đằng cũng cho rằng DLST chỉ hiệu quả khi có sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía. Về phía Nhà nước, cần có sự quan tâm tốt hơn về chính sách phát triển DLST cụ thể trước mắt và lâu dài; có chính sách đặc thù hỗ trợ cho nông dân. Bên cạnh đó, các bên liên quan cần thiết lập, kết nối tạo ra nhiều điểm dịch vụ phục vụ cho ngành DL của tỉnh, nếu chỉ có vài điểm như An Sơn, Bạch Đằng… thì chưa đủ tạo nên dấu ấn DLST của tỉnh nhà.
Theo bà Bùi Ngọc Vi, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn, thực tế thời gian qua có nhiều đoàn đưa khách DL đến tham quan, tìm hiểu vườn cây ăn trái Lái Thiêu, nhưng các đoàn chủ yếu đến rồi đi, chưa chủ động liên kết với địa phương và ngành chức năng. Cách làm này không hiệu quả, dẫn đến DLST phát triển thiếu sự bền vững. Vấn đề nữa là, phải có lợi nhuận thì người dân mới quan tâm phát triển DL. Do đó, việc kết nối 3 nhà để phát triển DLST là hết sức quan trọng.
Để đẩy mạnh phát triển DLST và các loại hình DL gắn với sông nước, tỉnh Bình Dương đã xây dựng các đề án, chương trình và thực hiện các chính sách. Cụ thể như Đề án Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến hình ảnh DL Bình Dương giai đoạn 2013-2015; Đề án phát triển các sản phẩm DL đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án Phát triển DLST và làng nghề tỉnh Bình Dương; Quyết định số 63/2016 về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021… |
Trước tình hình đó, Sở VH-TT&DL cũng đã và đang tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về phát triển DL, đưa ra những định hướng về phát triển DLST vườn để các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các chủ nhà vườn hình thành và phát triển loại hình DLST. Qua hội thảo và các đợt tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò DL của địa phương, cũng như giúp cho các nhà vườn cập nhật đầy đủ hơn những kiến thức cần thiết về phát triển kinh tế vườn gắn với phát triển DLST và kỹ năng phục vụ khách DL theo mô hình sinh thái vườn.
HOÀNG PHẠM