Hành hương về vùng non thiêng Yên Tử

Cập nhật: 17/04/2017
Xa nơi ồn ã, náo nhiệt, một chuyến hành trình về núi thiêng Yên Tử hẳn sẽ làm bạn quên đi bao mệt nhọc, tìm được sự thanh tịnh và thả hồn vào một không gian phù vân đậm chất Thiền.
Phật tử, du khách thập phương hành hương về núi thiêng Yên Tử.
 
Núi thiêng Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên – Mông. Sau khi chiến thắng, Đức vua đã từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
 
Dừng chân tại thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), hành hương đến núi Yên Tử, ngọn núi cao hơn 1000m so với mực nước biển sẽ là khởi đầu cho hành trình tìm đến cửa Thiền, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu luyện và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đứng dưới chân núi ngước nhìn lên, ngọn núi thiêng Yên Tử cao sừng sững và chia thành nhiều tầng, cao đến vút tận đỉnh trời. Tuy nhiên, nếu quan sát tỉ mỉ, hẳn ai ai cũng nhận thấy mỗi một tầng núi sẽ là một sắc màu riêng. Càng lên tầng cao, không gian càng nhuốm màu phù vân mờ ảo và bảng lảng mây trời.
 
Có hai cách để du khách hành hương lên đỉnh non thần. Có đường với hàng ngàn bậc đá uốn lượn xen giữa rừng cây muôn hoa đua nở từ chân núi lên đến đỉnh núi. Lựa chọn con đường này để lên đỉnh núi là cách để mỗi người vừa bước đi vừa lắng lòng mình giữa không gian đất Phật, cảm nghĩ về hành trình của Đức Phật Hoàng. Cách thứ hai khá thi vị khi bạn chọn vừa bước bộ theo các bậc đá một đoạn khá dài vừa bước lên cáp treo ru mình theo những khu rừng nguyên sinh lên tầng cao lưng chừng núi rồi lại đi bộ tiếp.
 
Bước những bước đầu tiên trên con đường tìm về núi thiêng, tìm về cửa Thiền thanh tịnh, mỗi người sẽ cảm nhận được không gian đầy huyền bí và thơ mộng. Hai bên đường đi là những rừng trúc bốn mùa xanh ngát, là cây rừng, hoa rừng đua nở, xen vào là âm thanh thỏ thẻ của tiếng chim hót, của suối chảy róc rách và đặc biệt là âm thanh trầm ấm của tiếng giảng Kinh Phật. Vì thế, du khách vừa bước đi, vừa thả hồn mình vào cây lá nguyên sơ, vừa suy ngẫm, chiêm nghiệm về những lời dạy của Đức Phật.
 
Nếu chọn cáp treo thì du khách hẳn sẽ có cảm giác thú vị khó tả khi được lướt mình ngược trên những tấm thảm rừng và cảm nhận cái mênh mang của không gian. Ngồi trên cáp treo, du khách sẽ thấy được sự kì vĩ, vẻ đẹp của muôn hoa đang khoe sắc. Thấp thoáng trong những khu rừng bát ngát là những mái chùa cong vút đẹp như bức tranh thủy mặc.
 
Hành lễ tại chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử.
 
Đến núi thiêng Yên Tử, chắc hẳn ai ai cũng trầm trồ trước cây rừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong rừng, dọc lối đi và bên những mái chùa cổ kính. Cây mọc ở nhiều tư thế, có khi chênh vênh bên vách đá, có khi thẳng tưng giữa rừng, có khi uốn mình bên cửa thiền. Trúc ở núi Yên Tử nhiều vô kể, loài cây này nhỏ, mọc dày và cứng cáp.
 
Dọc đường đi, có nhiều ngôi chùa trong quần thể khu di tích để du khách chiêm bái, lễ Phật. Đó là Tháp Tổ, Chùa Một mái, Chùa Hoa Yên, Chùa Giải oan, Chùa Suối Tắm, Bia Phật, Cổng Trời, Chùa Đồng, Bảo Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông…Các ngôi chùa đều ẩn mình vào rừng trúc, rừng cây xanh vì thế tạo nên một không gian vừa thanh tịnh nơi cửa thiền, vừa như thiên tạo. Tiếng chuông chùa phả vào không gian núi rừng khiến cho cây cỏ, muông thú và lòng người như đang thấm giáo lí Phật pháp.
 
Lên gần đến đỉnh non Yên Tử, khí hậu thanh mát, sường mờ giăng kín lối. Bất chợt mây ùa đến rồi lại tan biến vào khoảng không vô tận. Càng gần đến chùa Đồng thì cây rừng càng thưa thớt nhường chỗ cho đá. Đá nhiều vô kể, muôn hình thù, muôn kiểu tựa lưng vào núi. Đứng trên lưng chừng núi, bám tay vào những mỏm đá phóng tầm mắt ra xa, một khoảng không bao la đến vô cùng, không gian vừa hư vừa ảo như thể chốn bồng lai vậy.
 
Những sợi mây mang theo khí lạnh của đất trời như cuốn vào con người. Đỉnh núi cao nhất, nơi tọa lạc ngôi chùa Đồng, nơi xưa kia gắn với huyền thoại Đức Phật Hoàng tìm nơi tu luyện. Chùa được khởi dựng vào thời Hậu Lê, còn gọi là Thiên Trúc Tự. Ngôi chùa khá độc đáo bởi được đúc bằng đồng nguyên khối. Mái chùa cong vút, uy nghi, mây trời bảng lảng, hương trầm thơm ngát. Một không gian huyền diệu tự bao giờ.
 
Dưới chân núi và dọc đường đi, người dân nơi đây mang bán những sản vật của núi như: Măng ngọt, rễ cây thuốc, hoa quả...
 
Bước chân xuống núi sau khi lễ Phật, lòng mình thấy thanh thản, như rũ bỏ mọi ưu phiền, mọi lo toan. Đến nơi đây, lòng người hòa vào cái bảng lảng của mây trời non nước./.
 
Nguyễn Thế Lượng
Nguồn: dangcongsan.vn