Gìn giữ môi trường trong khu di tích làng cổ

Cập nhật: 31/05/2017
Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu, quần thể di tích làng cổ ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, mỗi ngày thêm thu hút nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan tìm hiểu.
 
Đền Ngô Quyền - ảnh: Minh Quân.
 
Điều đó không chỉ khẳng định sức hút và những giá trị quý báu của các di sản mà còn tạo điều kiện cho sự giao lưu trao đổi văn hóa, nâng cao trình độ của nhân dân với các vùng miền và bạn bè quốc tế, tạo cơ hội cho các loại hình dịch vụ du lịch phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của du khách, từng bước tạo ra mức thu nhập của nhân dân tại các điểm di tích như: khu cổng làng cổ Mông Phụ, sân đình Mông Phụ, chùa Mía, đình Phùng Hưng, đền lăng vua Ngô Quyền.

Tuy nhiên, có một vấn đề đang được các cấp chính quyền rất quan tâm tại các khu du lịch di sản, văn hóa là cần bảo đảm gìn giữ môi trường trong sạch, không những góp phần bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng mà còn nâng cao các giá trị của di tích, tạo dựng và để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng du khách và nhân dân.

Tại khu di tích làng cổ ở Đường Lâm – Sơn Tây, nhân dân địa phương cần chủ động đề xuất phối hợp với chính quyền thực hiện những công việc góp phần giữ gìn thật tốt cảnh quan môi trường.

Đó là : Hạn chế tối đa việc dắt và thả vật nuôi ở những chỗ tập trung du khách tham quan; đổ rác, tập kết rác thải đúng nơi quy định; khử mùi ô nhiễm từ việc chăn nuôi gia súc gia cầm; tập kết vật liệu gọn gàng không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và ngõ xóm. Bên cạnh đó, cần phân luồng hướng dẫn xe ô tô, xe máy đi và đỗ đúng nơi quy định. Hạn chế tối đa đi xe ô tô vào làng ngõ, cổng có nhà cổ; bảo vệ và tôn tạo các giếng cổ.Tích cực trồng thêm nhiều cây xanh bóng mát tại các đường làng ngõ xóm, khu di tích và trong diện tích ở của gia đình, nghiên cứu các giống cây phù hợp với khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, tạo nên sự hài hòa với không gian cảnh quan di tích.

Đoàn thanh niên phối hợp với các đoàn thể, trường học cơ quan nằm trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động truyền thông, tham gia lao động tình nguyện để bảo vệ gìn giữ môi trường tại các khu di tích, vận động các đơn vị, công ty du lịch ủng hộ vật chất, kinh phí, tổ chức một số cuộc thi bảo vệ - tìm hiểu đề xuất đóng góp gìn giữ môi trường cho học sinh như: vẽ tranh cổ động, ngôi nhà cổ sạch đẹp tiêu biểu của làng, đề xuất các giải pháp ý tưởng sáng kiến mới…Vào mùa thu hoạch hoa màu, hạn chế phơi rơm rạ ra đường, không dùng máy tuốt lúa. Các hộ kinh doanh không lấn chiếm đường đi, không gây mất mỹ quan không gian di tích. Giảm thiểu việc kinh doanh sản xuất các mặt hàng gây tiếng ồn như: rửa xe, cơ khí, thí điểm đầu tư xây dựng đường ngõ xanh - sạch- đẹp để phục vụ khách du lịch tham quan trải nghiệm.

 
Nguyễn Trọng An
(BQLDT Làng cổ Đường Lâm)
Nguồn: Báo Du lịch