“Cấp cứu” Trạm thông tin du lịch ở TP.HCM

Cập nhật: 21/06/2017
Ðối với các Trạm thông tin du lịch đang… “đắp chiếu” tại TP.HCM sẽ có hai hướng xử lý: Một là tháo dỡ, thu hồi, hai là bàn giao các trạm này cho UBND TP.HCM để quản lý và tiếp tục sử dụng.
 
Nhiều du khách không nghĩ rằng đây là Trạm thông tin du lịch.


“Trơ gan cùng tuế nguyệt”

Theo tìm hiểu của PV, các Trạm thông tin du lịch này được lắp đặt vào năm 2008, trong giai đoạn đầu có 13 trạm (trong tổng số 100 trạm dự kiến) đã lắp đặt tại khu vực quận 3 và 5. Kinh phí cho mỗi trạm này là 320 triệu đồng.

Tất cả các trạm thông tin về du lịch cũng như thông tin về xe buýt trên địa bàn TP đều do Công ty Cổ phần Quảng cáo Đất Việt (thành viên của DatVietVAC) thực hiện. Tuy nhiên, số trạm này đang tình trạng “sống dở, chết dở”.

Trên những tuyến đường của khu vực trung tâm TP, không khó để có thể nhận ra, các Trạm thông tin du lịch… còn “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà không hề có bất cứ hoạt động duy tu, bảo dưỡng hay làm mới thông tin. Sự nhếch nhác này càng làm cho bộ mặt đô thị trở nên khó coi, nhất là đối với khách du lịch, đối tượng mà người nghĩ ra ý tưởng lắp đặt các Trạm thông tin du lịch này nhắm đến.

Điển hình, ghi nhận của PV cho thấy, trạm ở góc đường Cách Mạng Tháng 8 - Tú Xương (quận 3) làm nơi… chứa rác. Cùng với sự xuống cấp, gỉ sét, thông tin cũ kỹ… đống rác vây quanh khiến cho người dân và du khách hết sức khó chịu. “Nhìn nó quá phản cảm, giữa một đô thị đang đẹp lên từng ngày thì cái cần cho du khách như vậy lại trở thành nơi chứa rác. Ngẫm thấy lãng phí hết sức”, ông Nguyễn Hùng Hòa, ngụ đường Tú Xương, quận 3 nói.
 
 
Rác thải chất đầy một Trạm thông tin du lịch .


Trong đó, nhiều trạm đã hư hỏng nặng, các thiết bị bên trong cũng bị lấy cắp hoặc gỉ sét. Đất, đá, rác thải cũng được nhét vào đây. Hơn nữa, ở tất cả màn hình dùng để tìm kiếm thông tin tại các trạm này cũng không còn sử dụng được cái nào.

Hay trên đường Võ Văn Tần (quận 3) cũng có tới 2 trạm được lắp đặt tại đây đều trong tình trạng “đắp chiếu”. Bà Thùy, người bán nước gần đó cho biết: “Anh chụp hình xong thì về in mấy tờ giấy cấm tiểu bậy tại đây, chứ ngày nào cũng có người tiểu bậy tại đây làm hôi cả khu vực này luôn”.

Hay ngay trước cổng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3) có một trạm nhưng là nơi treo đồ cá nhân của tổ Thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ tại đây. Một nữ thanh niên xung phong cho biết: “Từ khi chúng em làm nhiệm vụ tại đây đến nay thì trạm này không còn hoạt động nữa. Cũng có nhiều du khách đến tìm kiếm thông tin nhưng khi thấy màn hình không hoạt động rồi họ bỏ đi và lắc đầu”.

Sẽ thu hồi hoặc giao cho TP.HCM

Anh Trần Văn Trực, một hướng dẫn viên city tour cho biết: “Các trạm này không phát huy được tác dụng vì cách thiết kế chưa tạo được sự thuận tiện và gần gũi với du khách. Hơn nữa, đặt dọc các con đường có vẻ cũng không hợp lý. Nếu lặp đặt, theo tôi chỉ cần vài ba cái thử nghiệm ở những nơi có nhiều khách sạn khu trung tâm nhưng phải thiết kế khác. Bởi, khi rời khỏi khách sạn người ta mới cần thông tin, chứ đi trên đường thì ít ai quan tâm”.

Chị Rita, du khách Mỹ cũng cho biết: “Nhìn vào tôi không nghĩ nó là trạm thông tin du lịch, nếu không có dòng chữ ở phía trên. Vì nó trông giống một cái bốt của bảo vệ hay nhà chức trách thi hành pháp luật. Hơn nữa, hiện nay, trông nó quá dơ và không thân thiện nên chẳng ai để ý. Hơn nữa, khi khách đến một địa điểm nào đó, thường là họ đã tìm hiểu trước hoặc thông qua công ty du lịch. Tôi nghĩ những cái này không cần thiết trong thời điểm này nữa”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Các Trạm về thông tin xe buýt hay thông tin du lịch thì trước đây, Sở có giao cho Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng phối hợp thực hiện. Đây là các thông tin về bản đồ du lịch, bản đồ xe buýt, các điểm du lịch, phương tiện vận chuyển… Tuy nhiên, các trạm này là do một đơn vị tư nhân thực hiện”.

Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng thì “vừa qua, công ty đã báo cáo về tình trạng của các trạm này. Đồng thời kiến nghị hai phương án để giải quyết. Một là tháo dỡ, thu hồi hai là bàn giao các trạm này cho UBND TP.HCM để quản lý và tiếp tục sử dụng”.


 
Phong Vân
Nguồn: Báo Du lịch