Thông qua Tuyên bố cao cấp APEC 2017 về Du lịch bền vững

Cập nhật: 20/06/2017
(TITC) – Kết thúc các phiên làm việc của Đối thoại chính sách cao cấp về Du lịch bền vững diễn ra trong ngày 19/6, các nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố cao cấp APEC 2017 về Du lịch bền vững.


Theo đó, với chủ đề của Năm APEC Việt Nam 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Các Bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách về du lịch APEC tập trung thảo luận về vấn đề “Thúc đẩy du lịch bền vững vì khu vực Châu Á – Thái Bình Dương kết nối và phát triển toàn diện” nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác APEC vì sự phát triển toàn diện và bền vững trong khu vực.

Các nền kinh tế hoan nghênh việc tạo điều kiện thuận lợi về đi lại trong APEC. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế và kết nối trong khu vực. Đồng thời, thống nhất rằng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang ở giai đoạn chuyển đổi quan trọng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi mạnh mẽ với kỷ nguyên số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Đề cao tầm quan trọng của du lịch bền vững với tư cách là một động lực quan trọng cho hội nhập kinh tế khu vực và tăng trưởng toàn diện, sáng tạo và bền vững.

Trên cơ sở nhận thức chung, các nền kinh tế nhất trí ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc và hành động nhằm thúc đẩy du dịch bền vững, bao gồm:

Coi phát triển du lịch bền vững là một quá trình liên tục cần có sự theo dõi, đánh giá tác động một cách thường xuyên; đẩy mạnh các chính sách phát triển du lịch nội địa và khu vực nhằm hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; khuyến khích các đóng góp kinh tế dài hạn, khả thi, đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan; tôn trọng tính nguyên bản về văn hóa - xã hội của cộng đồng địa phương; sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên môi trường tự nhiên; khuyến khích nhu cầu của người tiêu dùng đối với các hoạt động và sản phẩm du lịch bền vững; đẩy mạnh đối tác công - tư với tư cách là biện pháp chính để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch bền vững; tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến du lịch, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiến hành thêm các nghiên cứu để các nền kinh tế APEC có thể thích ứng và tận dụng những thay đổi do các công nghệ mới tiên tiến đem lại. Các Bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí sẽ báo cáo các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào tháng 11 năm 2017 về tầm quan trọng của việc thúc đẩy du lịch bền vững ở châu Á – Thái Bình Dương.

Đối thoại chính sách cao cấp về Du lịch bền vững là sáng kiến của Việt Nam nhằm đóng góp vào các nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu về phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là hoạt động cấp Bộ trưởng thứ ba của APEC mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong Năm APEC 2017./.


 
Truyền Phương
Nguồn: TITC