TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển du lịch đường sông trở thành một sản phẩm đặc trưng nhưng trong nhiều năm qua loại hình du lịch này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng h.iện hữu.
Với hệ thống kênh rạch kết nối là lợi thế để phát triển du lịch đường thủy nội đô, tạo thêm sự đa dạng, phong phú trong loại hình du lịch đường sông TP.HCM. Trong ảnh: Du khách tham quan tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Nhiều lợi thế
Trao đổi với PV Toquoc.vn, nhiều chuyên gia cho rằng, sông Sài Gòn có độ sâu lý tưởng, rất thuận tiện cho các tàu vận tải có trọng tải lớn và tàu du khách đi lại dễ dàng. Sông Sài Gòn lại chảy qua trung tâm thành phố, chưa kể các nhánh sông hầu hết bao bọc các quận nội thành tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động với những cảnh sinh hoạt trên bến dưới thuyền, rất thích hợp cho du lịch đường sông.
Để tạo điều kiện phát triển loại hình du lịch đường sông, thành phố luôn quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng cho loại hình du lịch này. Từ năm 2013 đến nay, thành phố đã phê duyệt danh mục xây dựng 13 bến đỗ từ nguồn ngân sách nhà nước và 21 bến do tư nhân đầu tư.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, cho rằng với điều kiện tự nhiên, lợi thế có hai con sông (sông Sài Gòn và sông Ðồng Nai) chảy qua, cùng hệ thống kênh rạch kết nối tạo nên tuyến đường sông dài khoảng 1.000 km, TP.HCM đang dần tạo ra bức tranh du lịch hiện đại, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.
Phân tích những lợi thế tự nhiên sông nước của TP.HCM, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt, nhìn nhận: “TP.HCM có được dòng sông Sài Gòn vừa đẹp vừa có khả năng tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách của thành phố. Ngoài ra, điều khác biệt mà các thành phố khác không có được là cảng Sài Gòn dành cho tàu viễn dương du lịch đậu ngay bến Nhà Rồng, một di tích lịch sử nổi tiếng, tạo nét riêng, sang trọng của thành phố. Ðoạn cuối sông Sài Gòn cũng là kết thúc có hậu với rừng ngập mặn Cần Giờ, khu sinh quyển thế giới, là lá phổi của thành phố, là nơi có những di tích lịch sử và khu du lịch có tiếng”.
Thế nhưng, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hoạt động vận chuyển hành khách công cộng và du lịch đường sông thành phố chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị cơ sở chứ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của thành phố.
Phát triển chưa tương xứng
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng, du lịch đường sông vẫn còn những điểm yếu, chưa phát huy thế mạnh của thành phố, vẫn còn thiếu những sản phẩm du lịch mới để thu hút khách.
Sông Sài Gòn với độ sâu lý tưởng và có cảng dành cho tàu viễn dương du lịch đậu ngay bến Nhà Rồng, một di tích lịch sử nổi tiếng, tạo nét riêng, sang trọng của thành phố.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, du lịch đường sông phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có là do hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu trên các tour tuyến khá thiếu và yếu về chất lượng. Bên cạnh đó, một số vấn đề như nguồn nước ô nhiễm nặng, kênh rạch bị lấn chiếm nhiều, cảnh quan còn đơn điệu, độ tĩnh không thấp, khó cho tàu thuyền lưu thông... cũng kìm hãm quá trình phát triển của loại hình này. Ðáng lưu ý, khu vực neo đậu cho phương tiện thủy vẫn chưa được xác định, qua đó ngăn cản nhiều loại hình phương tiện vận tải phát triển tại thành phố.
Còn theo Chủ tịch HÐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) Phạm Huy Bình, chia sẻ: "Có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động du lịch đường sông chưa thể phát triển do hệ thống cầu tàu, bến bãi, các điểm dừng chân, dịch vụ dọc hai bên bờ, cảnh quan môi trường sông nước chưa thực sự hoàn thiện, cùng với tính đặc thù giá tour đường sông cao hơn tour đường bộ, nên loại hình này chưa thu hút khách".
Được biết, trong thời gian tới Sở Du lịch TP.HCM sẽ phát triển du lịch đường sông theo định hướng là trọng tâm, là sản phẩm chiến lược trong phát triển du lịch thành phố.
“Sở Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu cho thành phố theo hướng ưu tiên sắp xếp cho các doanh nghiệp có điểm dừng, đón khách phù hợp, thuận lợi nhất cho du khách vì hiện nay khoảng cách giữa điểm đầu, điểm cuối các tour tuyến còn xa. Để có thêm các điểm trung gian, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hình thành điểm đến ở các nhà vườn ven sông”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.