Môi trường có vai trò rất quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của môi trường càng thể hiện rõ nét qua các mối quan hệ giữa môi trường với biến đổi khí hậu, với đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng ta đang sống ở những năm cuối thập kỉ thứ 2 của thế kỉ 21, đây là một giai đoạn với sự phát triển nổi bậc của công nghệ khoa học, cứ mỗi giây trôi qua thì công nghệ mới vừa sản xuất bị lỗi thời, và rất nhiều phát minh khoa học hiện đại trong đời sống, sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực y khoa với các bước tiến không ngừng trong công cuộc tìm kiếm các giải pháp chăm lo sức khỏe cộng đồng tốt nhất.
Song song đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều bệnh lạ, bệnh mới gây ra nhiều tổn thất cho gia đình và xã hội. Và một trong các nguyên nhân của các bệnh hiện nay là vấn đề môi trường. Mối quan hệ giữa môi trường và sức khỏe ngày càng thể hiện sâu sắc trong cuộc sống chúng ta hiện nay.
Tuy nhiên chúng ta không nghĩ đến mức độ nguy hại khi môi trường ô nhiễm và chưa ý thức được bản thân mình cần phải làm gì để đóng góp cho việc bảo vệ môi trường. Trong bài viết này, tác giả muốn tổng hợp được những vấn đề quan trọng trong mối quan hệ giữa môi trường và sức khỏe hiện nay, các giải pháp chúng ta có thể làm để bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính mình.
I. Tổng quan chung mối quan hệ giữa môi trường và sức khỏe
Theo số liệu của của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mỗi năm có 13 triệu người tử vong liên quan đến vấn đề môi trường. Tại nhiều quốc gia trên toàn cầu, trung bình cứ 100 người chết thì có hơn 10 người thiệt mạng vì các yếu tố môi trường, tiêu biểu như nguồn nước thiếu vệ sinh hay không khí ô nhiễm. Một điều đáng buồn là những nạn nhân chính của vấn đề ô nhiễm môi trường là trẻ em dưới 5 tuổi, đa số các ca tử vong thường gặp là do tiêu chảy hoặc nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Với sự phát triển của xã hội hiện nay đã tạo thêm những yếu tố làm ô nhiễm môi trường như yếu tố về nghề nghiệp, phóng xạ tia cực tím, tiếng ồn, sử dụng nhiều hóa chất trong nông nghiệp, những thay đổi về khí hậu và hệ sinh thái… Số người mắc bệnh ung thư, bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến thần kinh và chức năng của tuyến nội tiết, con cái bị dị tật bẩm sinh ngày một tăng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư ngày càng tăng chính là do môi trường sống ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Tình trạng môi trường ở Việt Nam đang ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến sức khoẻ con người và lan rộng trong nhiều khía cạnh sinh hoạt đời sống, từ nguồn nước, khói bụi, không khí, rác thải, nhiên liệu xăng dầu… hiện tại vẫn chưa tìm ra giải pháp đối phó hữu hiệu.
Theo Bộ Y tế, nếu như vào năm 2000, số ca mắc mới ung thư tại nước ta là xấp xỉ 70.000 người thì hiện nay, con số này tăng lên 126.000 người, trong đó có khoảng 94.000 trường hợp tử vong. Trong đó, 5 loại ung thư thường gặp nhiều nhất ở nữ là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung và dạ dày; còn đối với nam giới là ung thư phổi, dạ dày, đầu trực tràng và thực quản.
Đáng lo ngại là ước tới năm 2020, số người mắc mới ung thư tại Việt Nam sẽ tăng lên ít nhất là 190.000 ca/năm, trong đó chỉ có dưới 10% ung thư phát sinh do các rối loạn trong cơ thể, còn lại có tới 80% do yếu tố môi trường sống.
Trong số các nguyên nhân liên quan đến yếu tố môi trường sống thì hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm chiếm tới 65% nguyên nhân gây ung thư hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% trong tổng số các loại ung thư như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, thực quản, khoang miệng, bàng quan, tuỵ, vú, dạ dày, cổ tử cung.
Chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm chiếm khoảng 35% nguy cơ gây ung thư. Trong đó, các chất bảo quản thực phẩm, nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất sinh ra từ thực phẩm nấm mốc, lên men gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hóa. Đối với các chất tăng trọng, thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất phụ gia có trong thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người sử dụng, có thể gây ngộ độc cấp tính nhưng để phát triển thành bệnh lý ung thư thường phải sau thời gian dài tiếp xúc.
(Còn nữa)
Nguyễn T. Mỹ Xuân ( Phòng TN&MT TX. Gò Công).