Du lịch trực tuyến – lĩnh vực giàu tiềm năng để khai thác

Cập nhật: 30/06/2017
(TITC) – Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, thương mại điện tử cùng với xu hướng tiêu dùng online tạo nên những yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch trực tuyến phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu trong thời gian qua.
 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
 
Theo ước tính của Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, tổng thu du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng trưởng 13,8%, ước đạt gần 565 tỷ USD, và dự báo đến năm 2020 sẽ lên đến 817 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý với mức tăng trưởng hai con số ở những thị trường mới nổi, đặc biệt là những thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ La-tinh góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của thị trường du lịch trực tuyến toàn cầu. Năm 2016, Bắc Mỹ vẫn là thị trường du lịch trực tuyến lớn nhất; nhưng từ năm 2017, vị trí dẫn đầu này sẽ là châu Á – Thái Bình Dương. Thị phần của châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng từ 31,5% (năm 2016) lên 40,2% (năm 2020).

Theo Báo cáo về nền kinh tế điện tử (e-economy) của khu vực Đông Nam Á do Google và Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) thực hiện năm 2016, quy mô thị trường du lịch trực tuyến của khu vực Đông Nam Á được dự báo tăng gấp 4 lần, từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD năm 2025. Trong gần 22 tỷ USD thu từ du lịch trực tuyến năm 2015, đặt vé máy bay đạt 12,5 tỷ USD, đặt phòng khách sạn đạt 6,6 tỷ USD, còn lại 2,5 tỷ USD là doanh thu từ đặt dịch vụ vận chuyển (như taxi, xe bus, tàu hỏa…, trừ vận chuyển hàng không).

Doanh thu du lịch trực tuyến của Việt Nam năm 2015 (chỉ tính vận chuyển hàng không và khách sạn) đạt 2,2 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên đến 9 tỷ USD. Kinh doanh du lịch trực tuyến ở Việt Nam được đánh giá là một lĩnh vực đầy triển vọng và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt, Việt Nam luôn được lựa chọn là một trong những điểm đến an toàn, hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới, đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến trong năm 2016 (+26% so với năm 2015). Trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,2 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tiềm năng và dư địa phát triển du lịch Việt Nam còn nhiều là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên môi trường lý tưởng cho du lịch trực tuyến bùng nổ.

Để nắm bắt cơ hội và phát huy lợi thế vốn có, các bên liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp cần hiểu rõ vai trò của thương mại điện tử, du lịch trực tuyến; ứng dụng hiệu quả những công cụ hỗ trợ; lựa chọn giải pháp phù hợp như tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin, phần mềm quản lý du lịch trực tuyến, thiết kế website, xúc tiến quảng bá, đổi mới chiến lược kinh doanh…

"Ngày du lịch trực tuyến 2017" được tổ chức vào ngày 05/7 tới đây tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo cơ hội cho các đại biểu tham dự cập nhật thông tin mới nhất và trao đổi nhằm tìm ra giải pháp đầu tư hiệu quả vào du lịch trực tuyến. Sự kiện sẽ đề cập đến những nội dung về du lịch trực tuyến như: thuận lợi và khó khăn khi phát triển du lịch trực tuyến; du lịch trực tuyến ở Việt Nam sẽ tăng trưởng như thế nào; các khách sạn, công ty lữ hành, các cơ sở lưu trú, khu du lịch… cần làm gì và điều chỉnh chiến lược kinh doanh như thế nào; những giải pháp công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu của du khách; nguồn nhân lực trong ngành du lịch hiện nay có đáp ứng được xu hướng kinh doanh trực tuyến không…

 
Hồng Nhung
Nguồn: TITC