Ngày 20/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi lễ công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 với chủ đề môi trường đô thị. Báo cáo đã khái quát tổng quan phát triển đô thị Việt Nam, đồng thời phân tích, đánh giá thực trạng bức tranh ô nhiễm môi trường của các đô thị hiện nay như (môi trường đất, môi trường không khí, môi trường nước, tác động của ô nhiễm môi trường đô thị…); những vấn đề môi trường đô thị nổi cộm và đề xuất giải pháp. Báo cáo cũng nêu sự cố môi trường nổi cộm năm 2016 và một số bài học kinh nghiệm…
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016
Chủ trì buổi lễ có ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; cùng đại diện các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thông tấn báo chí,…
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, trong thời gian qua, Đảng và nhà nước ta đã rất quan tâm chỉ đạo tới công tác bảo vệ môi trường đô thị, điều đó thể hiện trong Luật và các văn bản dưới Luật. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được Quốc hội thông qua đã có thêm các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) khu vực đô thị, quản lý và bảo vệ môi trường không khí, nước, đất; các quy định BVMT đối với những ngành có hoạt động gây ô nhiễm môi trường cao ở khu vực đô thị như các ngành giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp,…
Những năm gần đây, một vài đô thị đã triển khai hiệu quả quy hoạch phát triển gắn với BVMT và đạt được những thành công đáng kể. Tuy nhiên, phần lớn việc triển khai các quy hoạch đô thị ở cấp quốc gia và địa phương còn nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất là số lượng đô thị tăng lên rất nhanh nhưng chất lượng của các đô thị chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là các đô thị ven biển.
Ngoài ra, còn một số vấn đề nóng khác như: ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao; ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ, kênh, rạch nội thành, nội thị vẫn diễn biến phức tạp; vẫn đề ngập úng tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng; suy giảm mực nước dưới đất tại các đô thị khu vực đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển trở nên phổ biến; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp, công nghệ xử lý còn lạc hậu chưa phù hợp... Ô nhiễm môi trường đô thị bên cạnh những tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, còn dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, cảnh quan môi trường và gây ra những xung đột về môi trường.
“Báo cáo lần này sẽ là nguồn tư liệu hữu ích, hỗ trợ các nhà quản lý, hoạch định chính sách trong quá trình lập kế hoạch, quy hoạch phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước” - ông Nguyễn Văn Tài khẳng định.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016, gồm 08 Chương và 01 phụ Chương. Báo cáo tập trung phân tích làm rõ những vấn đề đặc trưng đối với môi trường đô thị, đó là những sức ép chính đối với môi trường là gì? Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường các đô thị nước ta như thế nào, những vấn đề gì nổi cộm nhất đối với môi trường đô thị? Ô nhiễm môi trường đô thị đã có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội ra sao? Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để bảo vệ môi trường đô thị?
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 - chuyên đề “Môi trường đô thị” đánh giá hiện trạng môi trường đô thị Việt Nam, từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nguyên nhân, các áp lực lên môi trường, diễn biến chất lượng môi trường đất, nước, không khí và chất thải rắn đô thị. Báo cáo cũng đánh giá những tác động của ô nhiễm môi trường và những đáp ứng của công tác quản lý, từ đó, đề xuất những định hướng, giải pháp để bảo vệ môi trường đô thị trong thời gian tới.
Báo cáo được xây dựng dựa trên mô hình Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng (D-P-S-I-R).
Động lực là quá trình đô thị hóa, phát triển dân số đô thị, tăng trưởng các ngành kinh tế như xây dựng, giao thông vận tải, y tế, thương mại dịch vụ, công nghiệp tạo ra Áp lực lớn làm thay đổi hiện trạng chất lượng môi trường ở khu vực đô thị. Hiện trạng môi trường được đánh giá gồm diễn biến trong giai đoạn 2012 - 2016 đối với môi trường không khí đô thị; môi trường nước (nước sạch đô thị, nước mặt lục địa, nước dưới đất, nước biển ven bờ); môi trường đất; hiện trạng phát sinh và xử lý CTR đô thị. Chất lượng môi trường được đánh giá thông qua việc so sánh kết quả quan trắc các thông số môi trường với các quy chuẩn hiện hành. Từ đó nhận định các vấn đề môi trường đô thị nổi cộm và những thách thức đặt ra đối với môi trường đô thị trong thời gian tới. Sự suy giảm chất lượng và ô nhiễm môi trường gây ra các Tác động đến sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển KT - XH và phát sinh xung đột môi trường.
Việc phân tích thực trạng, những tồn tại trong công tác quản lý và BVMT đô thị là cơ sở xây dựng nội dung phần Đáp ứng gồm các giải pháp ưu tiên và giải pháp tổng thể nhằm quản lý hiệu quả, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đô thị.
Để giải quyết, khắc phục các vấn đề về môi trường đô thị, báo cáo đã đề xuất các các giải pháp ưu tiên nhằm từng bước khắc phục, giải quyết các vấn đề môi trường nổi cộm. Nhóm giải pháp tổng thể đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị bao gồm: hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị và quy hoạch đô thị gắn với phát triển bền vững; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường đô thị; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư tài chính đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và đẩy mạnh huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường đô thị.
Trong năm 2016 ở nước ta đã xảy ra một số sự cố môi trường nổi cộm, điển hình là sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung. Các sự cố này và các bài học kinh nghiệm đã được tổng hợp trong Phụ chương của báo cáo nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho cộng đồng.