Bảo vệ môi trường và an ninh an toàn vịnh Hạ Long

Cập nhật: 08/08/2017
Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo rộng lớn, đang chịu sức ép về môi trường sinh thái bởi nhiều tác nhân như biến đổi khí hậu, các hoạt động kinh tế xã hội… Muốn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của Di sản Thiên nhiên thế giới và phát huy các giá trị này của Di sản Thiên nhiên thế giới phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ môi trường cần được quan tâm hàng đầu.

Công tác quản lý môi trường vịnh Hạ Long được chú trọng

Tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng địa phương về cảnh quan của di sản và bảo vệ môi trường di sản, bảo vệ hệ sinh thái của vịnh Hạ Long được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, khẩu hiện tuyên truyền, có bảng hướng dẫn, nội quy, biển báo tại những điểm tham quan. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ và giáo dục cộng đồng, tiêu biểu như đưa chương trình giáo dục di sản vào các trường học bắt đầu từ năm học 2000 - 2001, chương trình được đánh giá tốt và mở rộng triển khai ở tất cả các trường học tại địa phương; triển khai xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái vịnh Hạ Long. Các hoạt động này đã có hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ di sản.

Hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường di sản

Hoạt động hợp tác, kêu gọi nguồn lực quốc tế luôn được đẩy mạnh, phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu thông qua các dự án như: Dự án Jica giai đoạn 1 “Hỗ trợ xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên có sự tham gia của người dân địa phương trên vịnh Hạ Long”; Dự án Jica giai đoạn 2 “Thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên vịnh Hạ Long về bờ xử lý sử dụng nhiên liệu sinh học và Xây dựng mô hình giáo dục môi trường nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long”; Dự án ”Sáng kiến liên minh vịnh Hạ Long - Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng” do Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ (thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID); Dự án “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực vịnh Hạ Long”.

Quy hoạch, đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật

Di sản vịnh Hạ Long là vùng biển đảo rộng lớn, có nhiều giá trị tiềm năng mang tính nhạy cảm cao về cảnh quan, môi trường tự nhiên. Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã cùng các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản như: chủ động xây dựng và được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, ban hành Kế hoạch quản lý giá trị Di sản vịnh Hạ Long giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn 2020; tham mưu ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long năm 2017. Bên cạnh đó, đầu tư cải tiến hệ thống nhà vệ sinh, các trang thiết bị bảo vệ môi trường tại các điểm tham quan du lịch đảm bảo văn minh, lịch sự; thực hiện tốt hoạt động thu gom rác thải tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long, giám sát hoạt động thu gom rác thải trôi nổi trên vịnh Hạ Long; phối hợp thực hiện thay thế phao xốp sử dụng trong các công trình nổi trên vịnh Hạ Long bằng hệ thống phao nhựa hoặc các vật liệu khác thân thiện với môi trường; đầu tư thiết bị phân ly cho các tàu công tác của ban quản lý đảm bảo nước thải tàu không nhiễm dầu khi xả thải ra môi trường.

Nghiên cứu khoa học, điều tra khảo sát

Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã độc lập nghiên cứu và chủ động phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước xây dựng và triển khai hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực như:

Thực hiện đề tài nghiên cứu các quá trình địa chất, địa động lực hiện đại phục vụ quan trắc biến động các hang động đảo đá trên vịnh Hạ Long; nghiên cứu, đánh giá hiện trạng sạt lở, đổ lở, xói lở hệ thống đảo làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị di sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế, xã hội khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long; nghiên cứu giá trị các hang ngầm và hồ nước mặn trên vịnh Hạ Long...

Thực hiện các nghiên cứu đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và các nguy cơ đe dọa đến giá trị sinh học để có cơ sở đưa ra các biện pháp bảo tồn di sản kịp thời nhất; trồng phục hồi và tái tạo rừng ngập mặn trong các hệ sinh thái vịnh Hạ Long; nhân giống và trồng bảo tồn một số loài thực vật đặc hữu, có giá trị trên vịnh Hạ Long đề phòng nguy cơ suy giảm thành phần loài và hệ sinh thái như: loài cọ Hạ Long (thực vật đặc hữu), cây bông mộc, lan hài vệ nữ hoa vàng (loài hoa đẹp và đặc hữu của Việt Nam), trồng bổ sung một số loài cây ăn quả làm thức ăn cho loài khỉ vàng trên vịnh Hạ Long...

Định kỳ hàng quý thực hiện hoạt động quan trắc chất lượng môi trường nước vịnh Hạ Long kịp thời đánh giá, đề xuất các giải pháp quản lý môi trường hiệu quả; xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến các giá trị Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long giai đoạn 2015 - 2020; tổ chức rà soát, kiểm tra, khảo sát, xây dựng bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý về công tác bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành đối với các dự án đầu tư, tôn tạo trên vịnh Hạ Long: xây dựng đề án bảo vệ môi trường chi tiết điểm tham quan du lịch đảo Ti tốp trên vịnh Hạ Long.

Đào tạo nguồn nhân lực, kiện toàn tổ chức bộ máy

Ban Quản lý đã tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ viên chức lao động cơ quan. Đến nay, hàng chục lượt cán bộ viên chức đã được học tập kinh nghiệm thực tế về công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải… tại Nhật Bản, Mỹ. Từ năm 2014, ban đã thành lập Ban Chỉ huy và các đội ứng phó sự cố tràn dầu, đơn vị này được đào tạo và diễn tập hàng năm để ứng phó khi có sự cố tràn dầu xảy ra phòng tránh các nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường vịnh Hạ Long.

Đảm bảo an ninh - quốc phòng, phòng chống thiên tai, cứu nạn và tìm kiếm cứu nạn

An ninh - Quốc phòng

Những năm qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long luôn thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - An ninh trên vịnh; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các tổ chức, cá nhân hoạt động trên vịnh và cán bộ viên chức lao động cơ quan thực hiện tốt các quy định đảm bảo an ninh - trật tự, luôn đề cao tinh thần cảnh giác; thực hiện tốt các quy định về giữ gìn bí mật quốc gia, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ tài sản cơ quan; chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cơ quan; thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, tổ chức cho cán bộ viên chức lao động nhập ngũ theo lệnh gọi nhập ngũ.

Phòng chống thiên tai, cứu nạn và tìm kiếm cứu nạn của Ban Quản lý vịnh Hạ Long

Năm 2000, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã thành lập Trung tâm cứu hộ, cứu nạn trên vịnh Hạ Long nhằm xây dựng và thực hiện các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và xử lý các sự cố xảy ra trên vịnh.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Ban đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 5 và Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh tham gia 2 đợt kiểm tra tại 10 tổ, đội công tác của Ban; 3 tàu công tác, 6 doanh nghiệp dịch vụ trên vịnh Hạ Long và đã kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế như: thay thế, bổ sung các trang thiết bị PCCC cũ, hỏng; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và tuyên truyền tới toàn thể cán bộ viên chức lao động của ban cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh về Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Lực lượng cứu hộ cứu nạn của ban luôn thường trực 24/24, bố trí lực lượng cứu nạn tại chỗ để kịp thời xử lý các sự cố như ốm đau đột xuất, đuối nước. Hàng năm, cán bộ viên chức lao động của ban đều được đào tạo nghiệp vụ PCCC; sơ cấp cứu, vận chuyển nạn nhân trên biển và thợ lặn... Nhờ đó, đến nay Ban Quản lý vịnh Hạ Long không để xảy ra sự cố, đảm bảo tốt an ninh, an toàn.

Những việc cần làm

Tuy nhiên, vì vịnh Hạ Long là vùng biển đảo rộng lớn, lại chịu ảnh hưởng của nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác nhau, chịu sự quản lý của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh - an toàn tại khu vực gặp nhiều khó khăn. Một số vi phạm trên vịnh Hạ Long như đeo bám tàu du lịch, bàn hàng rong... còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trât tự, trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch trên vịnh.  Ngoài ra, hiện còn một số dự án về bảo vệ môi trường chưa thực hiện được do kinh phí quá lớn, cần phải có sự đầu tư, hỗ trợ của UBND tỉnh đặc biệt là các tổ chức trong và ngoài nước.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long cũng như an ninh, an toàn tại vịnh Hạ Long trong thời gian tới cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, thực hiện tốt công tác tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng các quy chế, quy định quản lý, quy hoạch, kế hoạch quản lý vịnh Hạ Long.

Hai là, tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học làm rõ các giá trị của di sản, bảo vệ môi trường di sản qua đó đề xuất các giải pháp quản lý bền vững Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Ba là, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế - xã hội, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trên vịnh Hạ Long, nhất là các hành vi vi phạm về khai thác nguồn lợi thủy sản, xâm hại các giá trị di sản, các hành vi ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tại khu vực.

Bốn là, tiếp tục thực hiện quan trắc, theo dõi, đánh giá hiện trạng môi trường vịnh Hạ Long, kịp thời báo các các diễn biến bất thường để có các giải pháp khắc phục, xử lý.

Năm là, đẩy mạnh thực hiện và khuyến khích dự án của các tổ chức nước ngoài đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long như Dự án tăng trưởng xanh, “con thuyền mơ ước”.

Sáu là, chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, cháy nổ và tìm kiếm cứu nạn tại khu vực, chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên tàu du lịch đảm bảo kỹ năng an toàn, cứu hộ, cứu nạn trong quá trình vận hành phương tiện phục vụ khách trên vịnh Hạ Long.../.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long

Nguồn: Tạp chí Du lịch số 07-2017