(TITC) - Ngày 07/8/2017, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn và các lễ hội, hội chọi trâu.
Theo đó, mục đích là đảm bảo việc tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn và các lễ hội, hội chọi trâu đúng với truyền thống, ý nghĩa của lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh lành mạnh trong nhân dân, hướng tới việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo những hình ảnh đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Lễ hội chọi trâu là một nét văn hóa và tín ngưỡng có từ xa xưa, được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước. Về mặt ý nghĩa, lễ hội chọi trâu liên quan nhiều đến đời sống lao động của người dân, được tổ chức nhằm cầu cho nhân khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa. Đây là một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân và du khách. Tuy nhiên theo thời gian, lễ hội chọi trâu ở một số nơi đã có một số biểu hiện biến tướng, sai lệch ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, gây ra những hiện tượng phản cảm, mất an toàn cho người tham gia.
Nhằm chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực và phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội chọi trâu truyền thống, với việc ban hành kế hoạch này, Bộ VHTTDL yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; quy trình thực hành Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Đồng thời kiểm soát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ VHTTDL khẳng định, nếu di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của Luật di sản văn hóa thì Bộ cũng sẽ xem xét đưa di sản ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng thời, yêu cầu thực hiện các hình thức tổ chức phù hợp trong Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa, trọng tâm là nội dung tổ chức các nghi lễ truyền thống tại địa phương đảm bảo tính trang trọng, đúng với giá trị của di sản.
Trong kế hoạch này, Bộ VHTTDL cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan nhằm rà soát quy trình thực hành Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn; Tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý và cộng đồng về tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn; Thanh tra, kiểm tra việc quản lý, tổ chức các lễ hội trên cả nước… đảm bảo an ninh, an toàn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội.
Hương Lê