Mô hình “Sáng, xanh, sạch, đẹp bảo vệ môi trường gắn với biến đổi khí hậu ở họ đạo Vịnh Chèo”, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang tuy mới thành lập được hơn 3 tháng nay, nhưng đã tạo một điểm nhấn trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của giáo dân.
Bà con giáo dân Vịnh Chèo, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đang tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, nếu trước đây nhiều người trong họ đạo còn vứt rác, chai thuốc bảo vệ thực vật xuống sông, kênh thì nay có khoảng 80% hộ thuộc họ đạo Vịnh Chèo xây hố đốt rác. Nhiều hộ còn xây dựng hàng rào bê tông, cây xanh, trồng hoa trước nhà, ven đường, tạo vẻ mỹ quan sáng, xanh, sạch, đẹp trong họ đạo.
Họ đạo Vịnh Chèo có khoảng 400 hộ với trên 1.500 giáo dân, đa phần làm nghề nông nên những năm trước, việc vứt rác xuống sông, kênh diễn ra thường xuyên. Thực hiện chương trình phối hợp giữa UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các ngành, các cấp với chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường, MTTQ xã cùng với Hội đồng giáo xứ Vịnh Chèo đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện, mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ông Trần Văn Châu, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy cho hay: “Bây giờ sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là phải đem chai về nhà rồi phân loại bỏ vào hố rác đốt, như thế không chỉ bảo vệ nguồn sống của mình mà còn thế hệ mai sau”.
Cũng theo lời ông Trần Văn Châu, trước đây, sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xong là ông bỏ chai xuống kênh, mương, hay bất cứ đâu cảm thấy tiện tay. Khi được Hội đồng giáo xứ Vịnh Chèo và chính quyền địa phương giáo dục, tuyên truyền, vận động nên bản thân ông đã thay đổi nhận thức, thói quen bằng việc xây hố rác sau nhà, hàng ngày phân loại rác thải để tiện xử lý, trồng cây xanh xung quanh nhà để tạo không khí trong lành.
Còn hộ ông Trần Văn Chiến cũng thực hiện khá tốt trong việc bảo vệ môi trường quanh nơi sinh sống. Ngoài việc trồng hoa kiểng, ông còn thường xuyên phát quang bụi rậm, đặc biệt vận động bà con giáo dân cùng thực hiện việc thu gom rác tuyến đường trước nhà. “Khi được địa phương triển khai thực hiện mô hình bảo vệ môi trường gắn với biến đổi khí hậu, tôi và người dân trong ấp rất phấn khởi. Bởi chúng tôi đã được dự các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Ban đầu mình còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng đến nay sau mỗi lần sử dụng thuốc, phân bảo vệ thực vật tôi đều thu gom bao bì, chai để bỏ vào hố xử lý”.
Từ khi triển khai thực hiện đến nay, Ban vận động mô hình đã chủ động phối hợp với MTTQ xã tổ chức trên 10 cuộc tuyên truyền trong đồng bào giáo dân, với hơn 1.000 lượt người dự và 100% hộ dân đăng ký thực hiện. Kết quả, đến nay có 80% hộ đã xây hố rác, tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường nhà cửa, thu gom rác thải nông nghiệp, chỉnh trang trên 4.000m đường nông thôn…
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Vịnh Chèo, cho biết, khi thành lập mô hình này, Hội đồng giáo xứ phối hợp với ngành chức năng của xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến các hộ trong họ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường như xây hố xí, hố rác; vận động bà con không vứt rác xuống kênh, mương. Bên cạnh đó, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần giáo dân đi lễ tại nhà thờ cũng được Hội đồng giáo xứ tuyên truyền về việc thực hiện vấn đề trên…
Hội đồng giáo xứ còn cùng với chính quyền địa phương vận động bà con tăng cường trồng rau sạch, sử dụng chất thải chăn nuôi làm chất đốt hoặc ủ phân bón cho hoa màu. Bên cạnh đó còn tổ chức những đợt ra quân vệ sinh môi trường đường làng và các trục đường chính nên ở đây hạn chế sự phát triển của các loài sinh vật có hại… Một người dân ở đây chia sẻ: “Nuôi heo trong chuồng vừa không lo mất, vừa kết hợp chăm sóc vườn rau nên có thêm thu nhập. Hơn nữa, được Hội đồng giáo xứ biểu dương vì không gây ô nhiễm môi trường nên ai cũng thấy vui”.
Từ hiệu quả mà mô hình bảo vệ môi trường gắn với biến đổi khí hậu trong họ đạo Vịnh Chèo mang lại, MTTQ xã Vĩnh Thuận Tây đang xây dựng kế hoạch để nhân rộng ra toàn xã.
Lê Hùng - Nguyễn Thuận