Theo thống kê của Chi cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, chỉ tính 3 tháng cuối năm 2016 đã có hơn 6 tấn ngà voi được trung chuyển qua Việt Nam được phát hiện tại cửa khẩu.
Theo đó, sáng ngày 30/8, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WildAid) đã phối hợp cùng Trung tâm hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) khởi động chiến dịch "Nói không với ngà voi" tại TP Hồ Chí Minh nhằm kêu gọi Việt Nam tham gia nỗ lực toàn cầu cứu lấy loài voi.
Ông John Baker - Giám đốc Chương trình WildAid, chia sẻ về cuộc khủng hoảng săn trộm ngà voi toàn cầu
Buổi lễ có sự tham dự của các vị Tổng lãnh sự và nhân viên cao cấp của các lãnh sự quán Anh, Pháp, Canada, Mỹ, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và một số cơ quan chính phủ khác cùng các Đại sứ thiện chí...
Theo CHANGE nạn săn bắt lấy ngà voi, đặc biệt là ở châu Phi vẫn tiếp tục tái diễn. Theo số liệu gần đây nhất, mỗi năm có khoảng 33.000 con voi bị giết hại để lấy ngà. Trung Quốc là nước chiếm 70% thị phần về nhu cầu ngà voi toàn cầu.
Trong đó, ngà voi được sử dụng để chế tác đồ chạm khắc, trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ và được coi là biểu tượng của sự giàu có. Đáng lo ngại, lợi nhuận từ buôn bán ngà voi đem lại rất cao, ước tính khoảng 450 - 900 USD/kg, đứng sau mua bán ma tuý.
Nguyên nhân việc kinh doanh hợp pháp trước lệnh cấm (trước năm 1989) đã che đậy cho việc buôn lậu số lượng lớn ngà voi, vì thế không thể phân biệt số lượng ngà nhập lậu và ngà hợp pháp. Với sự săn bắt trộm ngà voi ngày càng tăng, quần thể voi rừng đã bị giảm 65% từ năm 2002 đến năm 2013. Hiện còn khoảng 420.000 con voi châu Phi vẫn còn phân bổ trên khắp Nam Phi (56%), Đông Phi (27%), Trung Phi (16%), Tây Phi (1,5%).
Mỗi năm có khoảng 33.000 con voi bị giết hại để lấy ngà. Ảnh: WildAid và CHANGE
Để đối phó với nhu cầu về ngà voi ngày càng tăng cao và với cuộc khủng hoảng săn trộm voi vẫn đang diễn ra khốc liệt, dẫn đến tình trạng 33.000 con voi bị giết hại mỗi năm, Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm mua bán ngà voi trong nước.
Tại Việt Nam, voi là loài vật vốn luôn được đề cao trong đời sống văn hoá và hiện nay, loài voi đang được chính phủ Việt Nam bảo vệ qua việc cấm buôn bán ngà. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, vẫn có một số lượng lớn ngà voi được vận chuyển bất hợp pháp vào Việt Nam.
Với mong muốn ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép ngà voi tại Việt Nam nhằm đóng góp chung vào nỗ lực toàn cầu để cứu đàn voi khỏi nguy cơ tuyệt chủng, WildAid và CHANGE cùng một số người nổi tiếng với vai trò là Đại sứ thiện chí đã xây dựng chiến dịch "Nói không với ngà voi".
Chiến dịch này nhằm nêu bật tình trạng quần thể voi châu Phi đang sụt giảm nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng săn trộm gây ra, khuyến khích người dân không mua bán ngà voi và hỗ trợ chính phủ tăng cường hơn nữa việc thực thi pháp luật để ngăn chặn những vụ vận chuyển ngà voi trái phép qua Việt Nam sang những thị trường khác.
Chiến dịch "Nói không với ngà voi" tại TP Hồ Chí Minh nhằm kêu gọi Việt Nam tham gia nỗ lực toàn cầu cứu lấy loài voi. Ảnh: WildAid và CHANGE
Kế hoạch của chiến dịch "Nói không với ngà voi" bao gồm 3 hoạt động chính: Thực hiện sản xuất hàng loạt sản phẩm truyền thông chất lượng quốc tế; hợp tác với các cơ quan chính phủ, các vườn quốc gia nâng cao năng lực cho các cán bộ thực thi pháp luật địa phương; vận động người dân tham gia bảo vệ voi bằng cách không mua bán và sử dụng các sản phẩm từ ngà voi, đồng thời báo tin cho các cơ quan thực thi pháp luật nhằm giúp xử lý nhưng cá nhân rao bán sản phẩm ngà voi trên mạng; cùng lên tiếng kêu gọi các cơ quan chính phủ không trưng bày ngà voi trong văn phòng.
Ông Lê Nguyên Linh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1, cho biết chỉ trong 3 tháng cuối năm 2016, đã có tới 6 tấn ngà voi được thu giữ tại đây. Điều này cho thấy, Việt Nam là nơi trung chuyển ngà voi lớn nhất thế giới hiện nay. Thế nhưng, đáng lo ngại là pháp luật chưa rõ ràng về những mẫu vật nhập từ nước ngoài nên việc xử lý pháp luật với những đối tượng trên còn nhẹ, thậm chí không được xử lý dẫn đến không có sự răn đe.
Không chỉ vận chuyển và tiêu thụ ngà voi lậu, tình trạng quần thể voi tại Việt Nam cũng bị suy giảm do săn bắt trái phép. Theo ông Đỗ Quang Tùng, Phó chánh văn phòng Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam chỉ có khoảng trên dưới 100 cá thể voi hoang dã còn sống và tập trung tại sát biên giới Lào và Campuchia.
Để ngăn chặn tình trạng săn bắn và nạn buôn lậu động vật hoang dã xuyên biên giới trên toàn cầu, Luật Hình sự sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua lần đầu tiên đã quy định cụ thể tội phạm liên quan đến ngà voi. "Theo đó, việc hợp tác và phối hợp của các tổ chức thế giới, các tổ chức phi chính phủ như CHANGE và WildAid khi thực hiện chương trình "Nói không với ngà voi" sẽ góp phần chấm dứt nạn mua bán ngà voi tại Việt Nam, bao gồm cả việc trung chuyển ngà voi qua các quốc gia khác", ông Tùng chia sẻ.
Hải Yên/Báo Tin Tức