Thông tin từ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) cho biết: Trong 5 ngày từ 7 - 11/9/2017, cán bộ của trung tâm đã phối hợp đoàn cán bộ đến từ Vườn thú Luân Đôn, Bảo tàng Úc theo Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã tiến hành đợt khảo sát thực địa tại khu vực núi Ky Quan San, xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát) và phát hiện ra nhiều loài lưỡng cư quý hiếm.
Loài Cóc tía - Bombina microdeladigitora ghi nhận tại độ cao 2.100 m, đây là loài có phân bố hẹp ở độ cao trên 2.000 m và hiếm gặp
Cụ thể đoàn khảo sát đã khảo sát khu vự núi Ky Quan San nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, quá trình khảo sát đã phát hiện được 20 loài lưỡng cư sống ở độ cao từ 2.100 - 2.700 m. Trong đó, họ Cóc (Bufoniudae) có 2 loài; họ Cóc mày (Megophryidae) có 11 loài; họ Ếch nhái chính thức (Dicroglossidae) có 1 loài; họ Nhái bén (Hylidae) có 1 loài; họ Ếch nhái (Ranidae) có 1 loài; họ Ếch cây (Rhacophoridae) có 4 loài.
Loài cóc được phát hiện tại núi Ky Quan San chưa xác định được tên khoa học
Trong số 20 loài được tìm thấy có 4 loài ghi nhận ở độ cao 2.700 m; 1 loài ghi nhận ở độ cao 2.400 m và 15 loài ghi nhận ở độ cao 2.100 m. Ngoài ra còn có 9 loài chưa được xác định tên khoa học, trong đó, một số loài có khả năng là loài mới chưa được ghi nhận ở các khu vực khác.
Lãnh đạo Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết, Việc kết hợp với các đoàn khảo sát của nước ngoài khảo trong lần khảo sát này kết quả khảo sát là dữ liệu quan trọng để các cơ quan địa phương trong Vườn quốc gia có cơ sở tiến hành các biện pháp bảo tồn và phát triển bền vững khu vực này trong tương lai; đồng thời, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế lâu dài trong việc nghiên cứu và bảo tồn các loài lưỡng cư ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.
Bích Hợp