Những năm gần đây, do hoạt động khai thác ồ ạt của người dân cùng với việc môi trường biển ô nhiễm đã làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Việc bảo vệ tài nguyên biển, phục hồi và tái tạo đa dạng sinh học ở đây là rất cần thiết.
Các nguồn chất thải là một trong những nguyên nhân làm suy giảm hệ sinh thái tại vùng biển đảo Lý Sơn
Đa dạng sinh học suy giảm
Vùng biển Lý Sơn có độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển với trên 700 loài động thực vật biển được xác định. Trong đó có 157 loài san hô, 202 loài cá biển, 137 loài rong biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai, 6 loài cỏ biển...vv. Ngoài ra còn có 25 loài nằm trong danh mục các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố năm 2008. Đây là nơi đã chứng kiến sự tồn tại và mất đi của nhiều loài sinh vật quý hiếm như san hô đen, hải sâm, tôm hùm, trai tai tượng...
Tuy nhiên, những năm qua, độ đa dạng sinh học ở vùng biển ven đảo Lý Sơn đang dần bị suy giảm nghiêm trọng bởi tình trạng đánh bắt thủy sản quá mức và bằng phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, hóa chất xyanua, súng điện... Mặc dù lực lượng Công an, Biên phòng đã triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, vận chuyển thuốc nổ trái phép, song một số người dân vẫn lén lút dùng thuốc nổ để “tàn sát” hệ sinh thái biển.
Hiện nay, tại đảo có khoảng 8 bè, xuồng hút cát hoạt động công suất lớn nhằm cung ứng đủ cho nhu cầu trồng hành tỏi. Các chất hóa học như thuốc diệt nấm, diệt cỏ, diệt kí sinh trùng trong nông nghiệp bị ngấm vào mạch nước ngầm, các chai lọ đựng thuốc hóa học người dân lại đỗ thải ra môi trường theo nước mưa ra biển gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
Nhiều hoạt động nhặt rác, làm sạch biển Lý Sơn đang được triển khai
Ngoài ra, các nguồn chất thải, tác động của biến đổi khí hậu cũng là những nguyên nhân làm suy giảm hệ sinh thái tại vùng biển đảo này. Một yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rạn san hô, rong và cỏ biển của Khu bảo tồn biển là người dân trên đảo khai thác cát để trồng tỏi mỗi năm lên đến trên 150 nghìn m3, dẫn tới gia tăng xói lở bờ biển, các khu vực có cỏ biển sẽ bị phá hủy.
Bảo tồn biển để phát triển du lịch
Phát triển du lịch được xem là đòn bẩy để Lý Sơn thay da đổi thịt. Ô nhiễm môi trường biển và sự suy giảm của đa dạng sinh học ở Lý Sơn đang đe dọa lớn đến chiến lược phát triển du lịch bền vững của địa phương này. Để khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng hệ sinh thái biển và nâng cao nhận thức cho người dân, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Khu bảo tồn biển được quy hoạch trên diện tích gần 8.000 hecta và được phân thành 3 vùng chức năng gồm vùng bảo vệ nghiêm ngặt; vùng phục hồi sinh thái; vùng phát triển. Khi khu bảo tồn hình thành sẽ duy trì và bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nơi quần cư của các loài sinh vật, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và du lịch sinh thái, quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi hải sản.
Ông Phùng Đình Toàn- Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết, nhận thức được công tác bảo tồn môi trường biển của quần chúng là hết sức quan trọng, Lý Sơn đang hướng đến việc xây dựng mô hình bảo tồn biển dựa vào cộng đồng quy mô vừa và nhỏ như Nhóm cộng đồng bảo vệ san hô, nhóm cộng đồng khai thác rong biển, nhóm cộng đồng làm du lịch sinh thái… Những cộng đồng dân cư tự quản này được chính quyền địa phương hỗ trợ bằng cách nghiên cứu và xây dựng hướng dẫn khai thác hợp lý, xây dựng quy chế đồng quản lý và giải pháp tài chính bền vững, tạo cơ sở pháp lý để giảm thiểu những tác động từ bên ngoài cộng đồng. Từ đó, người dân được tham gia các hoạt động đào tạo nghề, phát triển sinh kế thay thế và được phối hợp với chính quyền địa phương tham gia công tác tuần tra, đề nghị các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn lợi bằng cách thông qua bản hương ước mang tính sáng tạo và tự chủ cao.
Bảo tồn biển, đa dạng sinh học tại Lý Sơn là hết sức cần thiết
Để duy trì hoạt động bảo tồn môi trường biển lâu dài và hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường nâng cao năng lực kỹ thuật thì việc xây dựng nguồn tài chính ổn định và bền vững là hết sức quan trọng. Huyện đảo Lý Sơn đang xây dựng và triển khai đề án thu phí bảo vệ môi trường tại các điểm tham quan du lịch, một mặt có kinh phí để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người được hưởng lợi ích từ tài nguyên phải trả tiền”, mặt khác nâng cao trách nhiệm, tôn trọng của du khách đối với môi trường cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch biển “xanh” gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Huyện Lý Sơn sẽ triển khai, lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường vào các sản phẩm du lịch như tour du lịch nhặt rác đã được TP. Đà Nẵng áp dụng và rất thành công.
Bên cạnh đó, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn cũng liên hệ với các đơn vị nghiên cứu, bảo tồn trong và ngoài nước để chuyển vị trí một số loài sinh vật về khu vực để phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cũng như tạo điểm nhấn trong thu hút du lịch.
Ông Phùng Đình Toàn kỳ vọng, nếu công tác bảo tồn môi trường biển đạt hiệu quả cao, vùng biển Lý Sơn sạch, không khí trong lành, biển đầy tôm cá, san hô phong phú đẹp mắt thì ngành du lịch của huyện mới phát triển được bền vững, đời sống bà con mới thật sự ổn định.
Bài, ảnh: Lan Anh