Các cấp bộ Hội Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng, duy trì các mô hình tiên tiến bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ và phòng chống ô nhiễm môi trường, chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tổ phụ nữ thu gom rác thải
Trong mô hình này, hội viên phụ nữ tự đầu tư dụng cụ thu gom, trang bị bảo hộ, xe chở rác đến tận từng hộ gia đình thu gom. Với sự hỗ trợ của chính quyền, quy chế thu gom rác được xây dựng, lệ phí thu rác được thống nhất và hội viên phụ nữ dần dần làm quen với loại dịch vụ mới - dịch vụ vệ sinh. Hội phụ nữ đã tổ chức truyền thông đến tận gia đình, hướng dẫn chị em phân loại rác.
Những loại rác có thể tái sử dụng được gom lại để bán gây quỹ hoạt động Hội; các loại rác hữu cơ (rác ướt) dễ tiêu hủy, được xử lý ngay tại vườn nhà bằng cách đàog hố chôn để làm phân bón hữu cơ. Nhờ cách làm này, lượng rác thải từ các gia đình giảm, việc thu gom thuận lợi hơn, tổ phụ nữ tự quản thu gom rác hoạt động hiệu quả, có thu nhập và môi trường được cải thiện.
Ở một số địa phương, mô hình Tổ phụ nữ thu gom rác có sự hỗ trợ từ phía chính quyền hoặc dự án, còn phần lớn hoạt động là do sự tự nguyện của hội viên phụ nữ. Các thành viên trong tổ thống nhất lịch thu gom rác hàng ngày và ra quân tổng vệ sinh hàng tuần tại các ngõ, xóm do các tổ tự quản.
Tại các thành phố, do đã có các công nhân môi trường thu gom rác hàng ngày nên vai trò của tổ phụ nữ chủ yếu là vận động người dân thực hiện đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định, ngoài ra việc huy động nhân dân ra quân tổng vệ sinh hàng tuần được tiến hành và duy trì đều đặn.
Mô hình phân loại rác tại nguồn
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống con người được nâng cao. Nhưng bên cạnh đó, lối sống công nghiệp đã khiến cho môi trường ngập tràn các loại rác thải trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và rác thải sinh hoạt. Trước thực trạng trên, Hội LHPN các cấp hưởng ứng và tổ chức thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn do Trung ương Hội đề xuất.
Ban đầu, nhờ sự hỗ trợ về kinh phí của Trung ương Hội, các Tỉnh/Thành Hội xây dựng thí điểm mô hình, với 20 hộ gia đình tham gia. Mỗi gia đình được tỉnh Hội cung cấp cho 2 loại thùng rác, 1 thùng chứa rác vô cơ, 1 thùng chứa rác hữu cơ. Hội viên trong câu lạc bộ được tham gia tập huấn nâng cao nhận thức về tác dụng của việc phân loại rác, được cung cấp thùng rác và hướng dẫn cách phân loại rác. Thời gian đầu do chưa quen nên vẫn có sự nhầm lẫn, tuy nhiên sau vài tháng hoạt động, các hộ gia đình đã hình thành thói quen và phân loại đúng theo quy định.
Rau, củ, quả, thức ăn thừa…được hội viên cho vào thùng rác hữu cơ, còn đối với các loại rác khác như chai, lọ, giấy, túi ni lông... được cho vào thùng rác vô cơ. Đối với rác hữu cơ, nhiều hộ gia đình dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm phân hữu cơ. Còn đối với rác vô cơ, hội viên có thể tái chế, tái sử dụng bằng cách bán cho người thu gom phế liệu.
Cách làm này không chỉ giúp hội viên phụ nữ giảm thiểu được lượng rác thải ra môi trường hàng ngày, làm đẹp cảnh quan, tốt cho sức khỏe, cho cuộc sống mà còn giúp chị em có thêm khoản tiền từ việc bán phế liệu. Nhờ cách làm hay, mô hình từ một điểm đã được nhân rộng ra nhiều địa bàn trong Tỉnh/Thành. Tuy nhiên, việc duy trì mô hình ở thành phố lớn vẫn đang là vấn đề khó khăn với lý do sau khi phân loại tại hộ gia đình các địa phương chưa có những thùng thu gom rác riêng do đó mặc dù rác được phân loại tại nhà nhưng sau đó lại bị đổ chung vào 1 thùng của Công ty môi trường đô thị. Điều này cũng gây khó khăn cho hội viên trong quá trình thực hiện.
Mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”
Trong những năm gần đây, việc sử dụng tràn lan túi ni lông đã ảnh hưởng không ít đến mỹ quan, môi trường và sức khỏe của người dân. Với mục đích giảm thiểu những tác hại của túi ni lông đến sức khỏe và môi trường, bên cạnh mô hình “Phân loại rác tại nguồn”, các cấp bộ Hội xây dựng và thực hiện mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông” do Trung ương Hội đề xuất.
Hầu hết, các tỉnh đều triển khai theo hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp làn đi chợ cho các hộ gia đình và thùng rác để phân loại rác. Đối với những túi ni lông, hội viên thu gom lại và tái sử dụng. Một số địa phương, hội viên đã dùng các loại lá: lá dong, lá chuối, lá sen…để thay thế túi ni lông. Ở Hà Nội, bên cạnh mô hình hướng dẫn hội viên trong câu lạc bộ gấp túi giấy đựng hàng hóa thay túi ni lông, Hội LHPN thành phố đã phát động ở tất các quận/huyện tổ chức lễ phát động tuần lễ không túi ni lông và đã triển khai hiệu quả ở nhiều quận/huyện.
Với cách làm đa dạng, sau 2 năm được Trung ương Hội hỗ trợ kinh phí, các tỉnh/thành phố đã tiếp tục duy trì và nhân rộng ra nhiều xã phường. Đến nay đã có nhiều Tỉnh/Thành phố triển khai mô hình hiệu quả. Có thể thấy, mặc dù trong thời gian ngắn nhưng số lượng túi ni lông đã giảm đáng kể so với trước khi triển khai mô hình.
Nhìn chung, các cấp bộ Hội đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện thành công một số mô hình hội viên phụ nữ chung tay BVMT. Các mô hình, bước đầu làm giảm thiểu tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường. Song, mô hình của các cấp bộ Hội còn gặp khó khăn để duy trì và sự lan tỏa chưa rộng rãi.
Mai Anh (moitruong.com.vn)