(TITC) – Chiều ngày 09/11/2017, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Xây dựng mô hình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch.
Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch đã đem lại nhiều kết quả to lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động du lịch đã gây ra những hệ lụy nhất định đến môi trường.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là công tác bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch nói chung và ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng chưa được quan tâm thỏa đáng.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, không ngừng cải thiện chất lượng môi trường, ngày 4/9/2013 Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Bộ VHTTDL được phân công và giao trách nhiệm “Hướng dẫn các địa phương và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; chỉ đạo thực hiện việc công nhận dịch vụ du lịch đạt chuẩn đối với các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch”.
Thực hiện Chỉ thị trên, Bộ VHTTDL đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (TCDL) triển khai nhiệm vụ môi trường “Xây dựng Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá đạt chuẩn về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch”. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã hoàn thành dự thảo Bộ tiêu chí về bảo vệ môi trường đối với 3 loại cơ sở du lịch và dịch vụ, bao gồm cơ sở ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở bán hàng lưu niệm. Mỗi loại tiêu chí có 2 nhóm: nhóm tiêu chí bắt buộc và nhóm tiêu chí khuyến khích. Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở ăn uống bao gồm 45 tiêu chí, trong đó có 33 tiêu chí bắt buộc và 12 tiêu chí khuyến khích; Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở bán hàng lưu niệm bao gồm 43 tiêu chí, trong đó có 34 tiêu chí bắt buộc và 9 tiêu chí khuyến khích; Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở vui chơi giải trí bao gồm 47 tiêu chí, trong đó có 38 tiêu chí bắt buộc và 9 tiêu chí khuyến khích.
Ông Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch phát biểu tại hội thảo
Sau khi dự thảo của Bộ tiêu chí được hoàn thành, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã gửi xin ý kiến các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, các khu điểm du lịch tiêu biểu trên toàn quốc. Bộ tiêu chí cũng được phổ biến và xin ý kiến trực tiếp tại Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh) và Điểm du lịch làng nghề Bát Tràng (Hà Nội).
Để có thể ứng dụng Bộ tiêu chí cho các cơ sở du lịch và dịch vụ thuộc các khu điểm du lịch, cần phải xây dựng mô hình bảo vệ môi trường. Mô hình được xây dựng dựa trên việc ứng dụng thử nghiệm Bộ tiêu chí tại một số cơ sở du lịch và dịch vụ cụ thể, qua đó điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng mô hình bảo vệ môi trường cần đảm bảo nguyên tắc lấy các cơ sở du lịch và dịch vụ làm trọng tâm, khuyến khích tham gia thực hiện mô hình và thực hiện đầy đủ các tiêu chí bảo vệ môi trường. Thông qua mô hình, các cơ sở sẽ tự nâng cao chất lượng dịch vụ, môi trường nhằm thu hút khách du lịch, thúc đẩy các cơ sở khác cùng tham gia. Cộng đồng địa phương là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp những tác động tiêu cực của du lịch tới môi trường. Việc tăng quyền lực cho cộng đồng địa phương sẽ góp phần sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, bảo vệ và gìn giữ môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Trên cơ sở tham khảo nhiều kinh nghiệm và mô hình trên thế giới, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã đúc kết những bài học kinh nghiệm và đề xuất cho Việt Nam, trong đó chú trọng đến mục tiêu đảm bảo cân bằng giữa giữ gìn và bảo vệ môi trường với phát triển du lịch, kinh tế-xã hội.
Vì thế, xây dựng mô hình tại các khu, điểm du lịch nên xác định rõ khu vực ưu tiên bảo tồn, khu vực ưu tiên phát triển du lịch và khu vực nào có thể kết hợp cả bảo tồn và phát triển du lịch, qua đó thực hiện chính sách, biện pháp và quyết định đầu tư đúng đắn, hợp lý.
Đồng thời đảm bảo mô hình bảo vệ môi trường, trong đó nhà nước là chủ thể thực hiện quản lý với sự tham gia của doanh nghiệp du lịch, người dân địa phương và khách du lịch.
Bên cạnh những quan điểm, nguyên tắc, định hướng chung, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cũng đề xuất mô hình bảo vệ môi trường tại 3 khu, điểm du lịch, dịch vụ, gồm có: cơ sở vui chơi giải trí tại Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), cơ sở ăn uống tại Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) và cơ sở bán hàng lưu niệm tại điểm du lịch làng nghề Gốm Bát Tràng (Hà Nội).
Theo ý kiến các đại biểu tham dự hội thảo, báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, cấu trúc hợp lý, điều này sẽ đem lại tính khả thi cao. Việc áp dụng mô hình này vào thực tế sẽ nâng cao ý thức gìn giữ môi trường mỗi cá nhân, chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch và khẳng định thương hiệu du lịch của các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh, để báo cáo được hoàn chỉnh hơn nữa, cần chỉ rõ những lợi ích cho doanh nghiệp áp dụng mô hình vào thực tiễn, phân định rõ vai trò và mối quan hệ của các chủ thể tham gia áp dụng mô hình, mối liên kết giữa các tiêu chí, các tiêu chí cần đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng…
Tin, ảnh: Thu Thủy