Tại hội thảo kiến trúc “Đề xuất ý tưởng kiến trúc quy hoạch TPHCM” do Hội Kiến trúc sư TPHCM tổ chức chiều 28-11, KTS Trần Khánh Trung cho biết, ngoài ô nhiễm về môi trường, không khí, tiếng ồn thì hiện nay TPHCM có một loại ô nhiễm khác là "ô nhiễm" cảnh quan.
Sự ô nhiễm này xuất phát từ sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát trong thời gian qua của TPHCM. Loại ô nhiễm này tuy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của người dân TP nhưng nó ảnh hưởng không tốt đến ngành du lịch thành phố và quan trọng hơn là ngấm ngầm tác động đến cảm thụ thẩm mỹ của nhiều thế hệ người dân thành phố.
Ông Trung dẫn chứng, tại khu trung tâm thành phố có rất nhiều công trình có cầu thang thoát hiểm nằm ngoài trời, có khi nằm phía sau, có khi nằm bên hông toà nhà được thiết kế sơ xài và bằng sắt dễ bị rỉ sét, xuống cấp rất xấu, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.
|
Quang cảnh hội thảo |
Nguyên nhân là do các chủ đầu tư tối đa hoá lợi nhuận, tận dụng tối đa mật độ xây dựng để kinh doanh nên đã đẩy cầu thang bộ ra ngoài công trình bên ngoài mà vẫn được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Và hậu quả là các cầu thang hở bằng sắt xuất hiện tràn lan bên hông và phía sau các công trình nhà cao tầng, trở thành điểm nhấn xấu xí cho cảnh quan kiến trúc đô thị khu trung tâm…
“Việc quản lý về mật độ xây dựng của các công trình cần được thực hiện chặt chẽ chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng ăn gian này. Đối với các công trình đã lỡ xây và ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan đô thị, cơ quan quản lý cần khuyến khích để chủ đầu tư đầu tư thêm phần che chắn bằng các vật liệu nhẹ, sao cho tăng được vẻ mỹ quan của công trình mà không ảnh hưởng đến công năng kỹ thuật”, ông Trung đề nghị.
|
Nhiều trạm điện, tủ điện thoại đặt ngay giữa lề đường |
Đề xuất ý tưởng kiến trúc quy hoạch từ những chuyện nhỏ, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM chia sẻ câu chuyện vỉa hè bên phải theo hướng lưu thông một chiều trên đường Điện Biên Phủ, đoạn từ Mạc Đĩnh Chi đến Đinh Tiên Hoàng có chiều ngang chỉ chừng 1m. Trên đoạn vỉa hè rất hẹp đó, nhiều cột điện, trạm điện, tủ điện thoại lại được quay ngang, đặt sát bên nhau chiếm hết lốn đi, đẩy người đi bộ xuống lề đường. Ông Lưu cho rằng, đó là một sự bất hợp lý có thể quan sát bằng mắt thường.
Câu chuyện lập lại trật tự vỉa hè ở đoạn đường này góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị thành phố trước hết phải là những xử lý khắc phục lỗi kỹ thuật. Theo ông Lưu, tại TPHCM có thể tìm rất nhiều ví dụ về sự bất hợp lý như vậy. Không chỉ ở những công trình có những hạn chế, sai sót mà thậm chí ở một công trình lớn và được đánh giá thành công như công trình Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nếu ngồi trên thuyền đi dọc kênh cũng thấy rõ những hạn chế về việc thiếu kết nối với 2 bờ.
Theo ông Lưu, nếu quan sát đô thị bằng con mắt của một kiến trúc sư có thế thấy nhiều điều bất hợp lý trong kiến trúc TP và cần có những giải pháp nào để có thể khắc phục, hoặc chí ít cũng hạn chế những bất hợp lý đó có thể xảy ra trong tương lai.