Nhiều loài động vật biển quý hiếm ở Kiên Giang có nguy cơ tuyệt chủng

Cập nhật: 25/07/2008
Xu hướng dùng tàu nhỏ khai thác nguồn lợi hải sản ven bờ có số lượng lên đến hơn 2.000 chiếc, riêng trong những tháng đầu năm, bất chấp khuyến cáo của Nhà nước, số lượng tàu thuyền loại nhỏ tăng thêm đến 1.000 chiếc so với trước đó.

Mặc dù bà con ngư dân không muốn, nhưng trước sức ép xăng dầu tăng giá liên tục trong thời gian qua thì việc dùng tàu thuyền loại nhỏ, với những chuyến biển ngắn ngày, khai thác ngư trường gần bờ xem như một giải pháp tạm thời để duy trì cuộc sống không những của chủ phương tiện mà còn cả chục ngàn lao động nghề biển.

Ngược lại, việc gia tăng ồ ạt nạn khai thác hải sản ven bờ kể cả vùng hạn chế, vùng cấm khai thác đánh bắt xem ra đang vượt quá khả năng quản lý từ phía một số ngành chức năng địa phương. Cụ thể, loài ghẹ xanh có giá trị thương phẩm cao nhất trong số các loài ghẹ, gần như biến mất; bên cạnh đó, một số loài như: tôm tích, sò huyết, sò lông... cũng giảm đi đáng kể.

 

Tại ven vùng Bắc đảo huyện Phú Quốc, vùng quần đảo Nam Du (huyện đảo Kiên Hải), quần đảo Bà Lụa (huyện Kiên Lương) cũng đang trong tình trạng bị khai thác cạn kiệt. Ngoài khai thác theo cách thông thường, một số ngư dân còn dùng cả xung điện, chất nổ để khai thác hải sản, không chỉ có tôm cá sinh vật biển bị chết hàng loạt mà còn làm hư hỏng nặng rặng san hô vốn vô cùng phong phú tại vùng biển nói trên. Ngoài ra, vùng biển thuộc 2 quần đảo Nam Du, Bà Lụa còn là vùng giới hạn vùng cấm khai thác, bởi tại đây còn tồn tại một số ít loài như: cá heo, rùa biển, dugong là những loài động vật biển quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường