Hôm nay (21-2, tức ngày mùng 6 tháng Giêng), một loạt lễ hội lớn của TP Hà Nội đồng loạt khai hội như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Sóc, lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội Cổ Loa… Theo ghi nhận của HNMO, các lễ hội năm nay diễn ra khá trật tự, văn minh.
Phấn khởi trẩy hội đầu năm
Theo thông lệ hàng năm, cứ vào mùng 6 tháng Giêng, nhiều lễ hội của Hà Nội đồng loạt khai hội đón hàng vạn du khách thập phương tới dự lễ, chiêm bái, cầu may. Trong số đó, phải kể đến những lễ hội lớn có bề dày truyền thống lâu năm của Hà Nội như: lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Sóc, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội Cổ Loa…
Từ sáng sớm, những cơn mưa mùa xuân lất phất bay cùng hơi sương lạnh còn chưa tan hết, hàng vạn người đã đổ về chùa Hương để dự lễ khai hội. Có người còn đến đây từ hôm trước, ngủ lại ở nhà trọ gần suối Yến để kịp đi lễ, tránh tắc đường.Từ đêm về sáng, trời mưa mỗi lúc một nặng hạt nhưng vẫn không làm giảm nhiệt lượng người đổ về chùa Hương mỗi lúc một đông hơn. Theo ghi nhận của cánh phóng viên, từ 4h sáng, bến thuyền suối Yến đã tấp nập du khách. BTC lễ hội chùa Hương cho biết, riêng trong ngày khai hội đã có hơn 40.000 lượt khách.
Từ 4h sáng, thuyền trên suối Yến đã tấp nập chở khách đi lễ chùa Hương.
Năm nay, BTC cương quyết “nói không” với xuồng máy nên những bác chở đò suối Yến thêm phần bận rộn khi quay vòng liên tục trong ngày để kịp chở lượng khách quá đông về chiêm bái. Hơn 4.500 thuyền được sơn màu xanh đồng bộ từ trước đó khá lâu, các chủ thuyền cũng được chính quyền địa phương tuyên truyền về cách phục vụ, ứng xử văn minh với khách.
Cũng trong sáng nay, lễ hội đền Sóc - một trong những điểm “nóng” của lễ hội Hà Nội với màn cướp lộc từng gây ra hình ảnh phản cảm, xô xát đến chảy máu thì năm nay hiện tượng đó đã không còn. BTC lễ hội đã lên các phương án tổ chức sao cho người dân vẫn được rước, dâng lễ và tất lộc như truyền thống mà lại không còn màn xô cướp. Với hình thức chia nhỏ lễ để tất lộc nên năm nay lễ hội đền Sóc diễn ra bình yên một cách đáng ngạc nhiên.
Lễ hội đền Sóc 2018 phát lộc trong trật tự.
Cô Nguyễn Thị Toán, cán bộ hưu trí của thôn Xuân Lai (Sóc Sơn) phấn khởi đồng tình về cách tổ chức vừa vui lại vừa an toàn, văn minh như năm nay. “Người dân làng tôi nhất trí với hình thức thay đổi này. Mọi năm, thanh niên chen cướp khiến những người có tuổi bại cả người. Ai đi hội cũng sợ. Năm nay, chúng tôi sau khi lễ Thánh xong đều có lộc mang về mà không sợ bị chen, hoan hỉ lắm”.
Trao đổi với HNMO, thủ từ đền Hạ - ông Tô Xuân Trình vừa ngồi thảnh thơi uống nước trà vừa thủng thẳng bảo: “Năm nay, tôi mới được cử trông coi đền Hạ, những năm trước tôi tham gia lễ rước nhưng chẳng bao giờ dám bén mảng đến đền Hạ “tất lễ tất lộc” vì thanh niên chen cướp, đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán. Năm nay, mọi việc diễn ra bình yên, những người trông coi đền như chúng tôi cũng nhẹ nhọm được phần nào. Không có hình thức cướp lộc thì người dân vẫn đi lễ bình thường. Đi lễ cầu may, trong lòng thanh thản như vậy ấy chính là lộc”.
Đoàn rước tượng trắng trong Lễ hội đền Hai Bà Trưng
Sáng nay, tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh tổ chức Lễ kỷ niệm 1978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ khai hội đền Hai Bà Trưng với sự tham dự của nhiều lãnh đạo trung ương và TP Hà Nội. Dịp này, Lễ hội đền Hai Bà Trưng được đón nhận Danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên tâm lý của BTC và người dự hội cũng có khác, phấn chấn hơn. Với truyền thống tổ chức lễ hội lâu nay chưa xảy ra hiện tượng tiêu cực, phản cảm, Lễ hội Hai Bà Trưng của huyện Mê Linh diễn ra tưng bừng, tươi vui với nhiều hoạt động hấp dẫn trong ngày khai hội. Lễ hội được tổ chức gồm nhiều phần theo nghi lễ nhà nước và địa phương như: dâng hương, rước kiệu và tế lễ, bên cạnh đó là những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng lại chiến tích oai dũng năm xưa của Hai Bà để tưởng nhớ cũng như tạo ra nét đặc sắc cho du khách tìm hiểu.
Góp phần vào không khí lễ hội tưng bừng tại Hà Nội trong sáng nay, Lễ hội Cổ Loa - một trong những lễ hội giàu truyền thống khai hội tại đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, người dân làng phấn khởi tổ chức lễ hội với nhiều hình thức đặc trưng được duy trì từ bao đời nay. Mở đầu lễ hội là đám rước Văn với 5 lá cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu Long đình, có lọng, tàn che. Sau đám rước Văn là màn tế lễ diễn ra quá giờ ngọ (12 giờ trưa) và đám rước thần của 12 xóm. Dân làng và du khách theo đám rước tưng bừng khắp ngõ xóm. Đến 16 tháng Giêng, lễ hội mới lễ tạ trời đất và kết thúc.
Lễ hội văn minh hơn nhờ tổ chức và ý thức tốt
Tính đến thời điểm này, công tác tổ chức lễ hội của Hà Nội xuân Mậu Tuất đã tiến bộ hơn so với mọi năm. Trong ngày khai hội dù phải tiếp đón hàng vạn lượt du khách đổ về nhưng về cơ bản, BTC các lễ hội đã chủ động nắm bắt tình hình và tăng cường kiểm tra, giám sát, chưa để xảy ra hiện tượng phản cảm, xấu xí.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương cho biết, BTC phải “căng” ra từ nhiều tháng nay để lên các phương án tổ chức, từ việc bảo đảm phân luồng giao thông cho đến việc phân phối thuyền đi lại trên suối Yến; đội vệ sinh môi trường luôn túc trực để thu gom rác; nhà vệ sinh và thùng rác công cộng được tăng cường để đảm bảo lượng khách đông… Mặc dù trong ngày khai hội đâu đó vẫn có những hình ảnh chưa thật đẹp như việc du khách trèo tường, nhảy rào để tìm lối đi nhưng BTC đã nỗ lực để bảo đảm lễ hội diễn ra văn minh, an toàn. Ông Nguyễn Văn Hậu cũng hy vọng, trong bối cảnh hàng vạn người cùng hành hương, những người dự hội thể hiện ứng xử lịch sự, kiên nhẫn thì mới mong lễ hội diễn ra văn minh, tốt đẹp.
Nói về thắng lợi trong khâu tổ chức Lễ hội đền Sóc năm nay, ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng văn hoá -thông tin huyện Sóc Sơn bày tỏ, ngay khi nhân dân đồng lòng, nhất trí thay đổi hình thức tất lộc, BTC đã cùng người dân bàn bạc để tổ chức lễ hội sao cho không mất đi bản sắc của lễ hội vốn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, mà lại bảo đảm lễ hội không xảy ra tranh cướp. Theo ông Sinh, người dân làng vốn hiền hậu, họ rất ý thức được việc bảo vệ truyền thống của làng nên khi đồng thuận thay đổi hình thức tất lộc, người dân rất phấn khởi, lễ bái trong trật tự, xếp hàng lần lượt để nhận lộc hoa tre, trầu cau được phát ra. Đám thanh niên mọi năm “hầm hố” tranh cướp là vậy, năm nay cũng trở nên điềm đạm, lịch sự xếp hàng đi lễ.
Mặc dù là một trong những lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, nhưng BTC lễ hội đền Hai Bà Trưng từ nhiều tháng nay đã lên phương án tổ chức sao cho hiệu quả. Trong ngày khai hội, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, năm nay tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đổi mới để bảo đảm sự tôn nghiêm cũng như nhu cầu vui chơi. Một trong những giải pháp đáng chú ý là đã tách riêng các khu vực tâm linh với khu vực dịch vụ, vui chơi nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo nên cảnh quan thoáng đãng. Công tác kiểm tra, giám sát khâu bảo đảm an toàn thực phẩm tại Lễ hội được thực hiện thường xuyên.
Mùa lễ hội xuân Mậu Tuất đã bắt đầu, không chỉ tại Hà Nội mà trên cả nước cũng đã rộn ràng các hoạt động vui chơi đón xuân mới. Hy vọng, với việc cơ quan quản lý văn hoá, chính quyền địa phương và người dân cùng đồng thuận trong tổ chức, ý thức người dự hội đã văn minh hơn thì mùa lễ hội năm nay sẽ diễn ra văn minh, an toàn, đúng với giá trị văn hoá của lễ hội dân gian truyền thống.
Hoàng Lân