Tiềm năng du lịch phong phú, nhưng hiện nay việc khai thác tiềm năng đó vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc xây dựng một số sản phẩm du lịch còn khó khăn, lúng túng, và có những sản phẩm thậm chí vấp phải sự phản đối của dư luận.
"Tinh hoa Bắc Bộ", chương trình thực cảnh chất lượng cao nhưng chưa thu hút người xem.
Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú với nhiều thế mạnh như: hơn 40.000 di tích và thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tính đến nay, nước ta đã có tám di sản được UNESCO công nhận: Di tích Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Huế, thành nhà Hồ, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long. Văn hóa và ẩm thực chính là hai trong các tiềm năng du lịch Việt Nam nhất định cần được giữ gìn và phát triển.
Năm 2017 ngành du lịch Việt Nam đã thực hiện được chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao: đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% và 74 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng xấp xỉ 20% và tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tương đương với 23 tỷ USD và đóng góp khoảng 7,5% vào GDP của Việt Nam năm 2017.
Có thể thấy rằng, tiềm năng du lịch Việt Nam rất phong phú và đa dạng, là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do mà du lịch nước ta chưa được khai thác triệt để nên cần có những hướng đi hiệu quả hơn nữa, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ hơn với bạn bè quốc tế. "Làm sao để giữ chân du khách khi đến Việt Nam?" - đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Để khắc phục những vấn đề tồn tại và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đề ra trong Nghị Quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2016 và theo yêu cầu của Thủ tướng, Du lịch phải làm thế nào du khách tìm đến Việt Nam đông hơn, ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn và sớm quay trở lại.
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) Trần Hùng Việt, những sản phẩm du lịch hiện tại chưa đủ hấp dẫn và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh, phần lớn những sản phẩm du lịch chủ yếu phục vụ du khách ở khung giờ từ 5 giờ đến 18 giờ, hoặc mang tính thời điểm. Từ 18 giờ đến khuya, du khách không có nhiều hứng thú trong việc tham quan, khám quá thành phố vì có quá ít sự lựa chọn.
Nhiều địa phương khác cũng nhận được ý kiến phàn nàn của du khách về chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là khách quốc tế. Chính vì thế số lượng khách quay lại chủ yếu là những người đến Việt Nam vì công việc và Việt kiều về thăm thân nhân. Một phần rất nhỏ khách quay lại từ các nước láng giềng gần. Theo số liệu Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, trong 90% khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu và chỉ 6% trong số này quay lại
PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: "Việc quay lại hay không phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác, như loại hình du lịch và sản phẩm du lịch của chúng ta chưa đủ hấp dẫn và chưa thực sự tao sức thu hút để khách du lịch quay trở lại".
Nhằm tìm kiếm một loại hình nghệ thuật sân khấu mới phục vụ khách du lịch đến Hội An, Công ty Cổ phần biểu diễn quản lý Việt Quốc đã tìm kiếm đối tác thực hiện biểu diễn thực cảnh - một loại hình sân khấu mới rất thu hút khách du lịch trên thế giới. Ngày 18-3-2018, chương trình biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An đã ra mắt buổi công diễn đầu tiên để giới thiệu với công chúng và khách du lịch tại Hội An, cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến khích lệ, cổ vũ- đặc biệt là của du khách nước ngoài - nhiều du khách cho rằng vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam được sân khấu hoá một cách mới lạ và ấn tượng. Tuy nhiên cũng có những ý kiến không hài lòng về những chi tiết chưa thật chuẩn xác là của Hội An mà nhà sản xuất còn cần phải lắng nghe và tiếp thu chỉnh sửa. Còn cả một chặng đường dài để sản phẩm du lịch mới này sống được và mang lại nguồn lợi cho du lịch Hội An cũng như Việt Nam, giảm bớt áp lực và bổ sung hoạt động bên lề cho phố cổ Hội An.
"Tinh hoa Bắc Bộ" - chương trình sân khấu thực cảnh đầu tiên của Việt Nam do công ty Tuần Châu tổ chức ở Sài Sơn, Thạch Thất (Hà Nội) sau một gian ra mắt công chúng, nay cũng rất khó khăn để bán được vé đủ bù đắp chi phí của nhà đầu tư.
“Du lịch không thể phát triển độc lập được. Chúng ta cần có sự đồng lòng của toàn xã hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Đầu tiên, tôi cho rằng, nhận định xã hội phải thay đổi một cách cơ bản, nhất là ở cấp ra chính sách.
Bên cạnh đó, phải có những thay đổi trong quan điểm phát triển của ngành du lịch. Lâu nay chúng ta chỉ nhìn vào lượng khách du lịch để đánh giá, chỉ nhìn vào bề nổi của sự tăng trưởng mà chưa chú ý đến chất lượng tăng trưởng.
Vấn đề chất lượng tăng trưởng du lịch là ở chỗ làm sao có thể kéo dài thời gian lưu trú của khách hơn, tăng mức chi tiêu của khách, hay tạo nhiều việc làm hơn…. Chính vì vậy, theo tôi, du lịch cần phát triển bền vững không nên chạy đua phát triển" PGS Hoàng Trung Lương phát biểu. Đó là bài toán chưa dễ tìm ra lời giải đối với sản phẩm du lịch có giá trị văn hoá mà du khách trông chờ ở Việt Nam thời hội nhập.