Một bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch đang được xây dựng sẽ dùng để xếp hạng và nâng cao năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch Việt Nam.
Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam đang xây dựng một bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch nhằm xếp hạng và nâng cao năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch Việt Nam.
Việc xây dựng bộ chỉ số có mục tiêu cải thiện xếp hạng về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam trên thế giới lên 6-10 bậc; giảm chỉ số ấn tượng không tốt của khách du lịch quốc tế về du lịch Việt Nam từ 5-10% và tăng chỉ số của khách du lịch quốc tế quay lại du lịch Việt Nam từ 2-4%.
Bộ chỉ số sẽ xác định điểm mạnh-yếu của du lịch Việt Nam tại các điểm đến. Thông qua những dữ liệu cụ thể này, ngành du lịch, các địa phương sẽ biết điểm yếu đang nằm ở đâu để có những phương án thay đổi.
Trước mắt, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam sẽ thực hiện xếp hạng tại 5-8 điểm đến thí điểm ở Việt Nam và đề xuất với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân báo cáo Chính phủ và ban hành chỉ số, tổ chức chấm điểm và công bố hàng năm, bắt đầu từ năm 2019. Từ đó, ban quản lý các điểm đến biết vị trí điểm đến đứng thứ bao nhiêu, cần tiếp tục cải thiện gì để nâng cao thứ hạng.
Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam sẽ phối hợp với một số bên liên quan khác, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng bộ chỉ số. Bộ chỉ số này sẽ học tập các bộ chỉ số khác trên thế giới và ASEAN phù hợp với xu thế chung.
Được biết, chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam năm 2017 xếp hạng 67/136 nước. Theo bảng xếp hạng này, động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam là nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa và khả năng cạnh tranh về giá.
Các "điểm nghẽn" trong phát triển du lịch Việt Nam cần khắc phục là tập trung vào tính bền vững của môi trường; các quy định lỏng lẻo; mức phát thải cao; nạn phá rừng và hạn chế xử lý nước đang làm suy giảm môi trường.
Bên cạnh đó, một điểm yếu hiện nay là ngành du lịch chưa có điều tra và thống kê cụ thể về tỷ lệ du khách quay trở lại. Đây cũng là việc mà Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam đề xuất: 2-3 năm/lần phải điều tra tại các điểm đến để cải thiện được vấn đề du khách quay trở lại Việt Nam.
Nhật Nam