Vài năm trở lại đây, du lịch Yên Bái bước đầu đã có tên trong bản đồ du lịch Việt Nam. Những cái tên như Mường Lò, Mù Cang Chải, Tà Chì Nhù, Thác Bà, Đông Cuông... đã trở nên quen thuộc với nhiều du khách trong và ngoài nước. Đó chính là lợi thế, tiền đề để Yên Bái xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch.
Song, thương hiệu du lịch không chỉ được ghi nhớ nhờ các hoạt động xúc tiến quảng bá về hình ảnh mà còn được xây dựng trên cơ sở xác định các giá trị thương hiệu và yếu tố cốt lõi để có chiến lược phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá. Tỉnh Yên Bái đã có chủ trương phát triển thương hiệu du lịch từ rất sớm bằng việc khai thác lợi thế vùng để xây dựng các sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Vẻ đẹp Mù Cang Chải mùa lúa chín.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với một đơn vị tư vấn xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 – 2020, đơn vị tư vấn đã đưa ra những chuỗi hoạt động liên tục trong cả giai đoạn. Đồng thời, đề xuất ý tưởng logo/biểu trưng du lịch tỉnh Yên Bái; thiết kế quy chuẩn cẩm nang du lịch Yên Bái; xây dựng quy chuẩn nhận diện thương hiệu đặc sản địa phương... cùng các giải pháp truyền thông.
Tuy nhiên, du lịch Yên Bái có tiềm năng phong phú cả tự nhiên và văn hóa, nên việc lựa chọn các giá trị thương hiệu và các yếu tố cốt lõi không hề đơn giản. Việc này cần được thực hiện dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản và các đánh giá không chỉ một phía mà cần so sánh với cạnh tranh và đặc biệt là các nhận định từ thị trường, nhất là thị trường khách du lịch trọng điểm mà du lịch Yên Bái đang hướng tới.
Bên cạnh đó, hai yếu tố quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu địa phương là hợp tác và sáng tạo cần được khai thác tốt. Hợp tác bao gồm cả hợp tác giữa Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp cũng như hợp tác với nhau giữa các địa phương. Chính sách và các công cụ thương hiệu cũng đòi hỏi những sáng tạo kể từ những hoạt động định vị sản phẩm du lịch địa phương cho tới việc phát triển các công cụ truyền thông.
Qua 6 tháng đầu năm 2018, Yên Bái đón 253.234 lượt khách (khách quốc tế đạt 11.783 lượt, khách nội địa đạt 241.451 lượt), doanh thu từ các cơ sở lưu trú ước đạt 142 tỷ đồng (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2017). Những con số đó cho thấy mục tiêu đến năm 2020 đón 700.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt; năm 2025 đón 1,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 90.000 lượt; số lượng cơ sở lưu trú đến năm 2020 có 2.500 buồng, 15% đạt hạng 3 sao trở lên, đến năm 2025 có 3.600 buồng... với Yên Bái là không xa vời.