Ngoài lượng rác do chính người dân địa phương thải ra, lượng rác dạt vào bãi tắm trên địa bàn tỉnh BR-VT ngày càng tăng, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
|
Rác từ đại dương trôi dạt vào biển Bãi Trước, TP. Vũng Tàu. |
CÒN TÌNH TRẠNG XẢ RÁC THIẾU Ý THỨC
Đến bãi biển ấp Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), hầu như lúc nào cũng thấy rác thải tràn ngập bãi biển. Đây là điểm du lịch thu hút du khách từ nhiều năm nay, vào những dịp cuối tuần, lượng khách tới bãi biển càng đông đúc. Nhưng cũng từ bãi biển này, tất cả rác thải từ túi ni lông, ngư cụ, xác hải sản cho đến đồ ăn, thức uống của du khách đều được vứt ngay trên bãi biển. Hình ảnh nhếch nhác tại đây đã khiến nhiều du khách lắc đầu ngán ngẩm.
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi cũng diễn ra khá nhiều tại khu vực ven biển trên địa bàn thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), trong đó tập trung tại vị trí mà dự án du lịch đã nhiều năm không triển khai, không có rào chắn và quản lý. Điển hình như tại Dự án sân golf và dịch vụ Hương Sen (thuộc khu phố Hải Sơn, thị trấn Phước Hải). Vào cuối tuần, nơi đây tập trung khá nhiều người đến tự do ăn uống rồi xả rác ra môi trường. Rác không chỉ để bừa bãi trên tuyến đường ven biển mà bên trong khu vực này cũng la liệt các túi ni lông, vỏ nhựa, đồ ăn thừa… khiến môi trường du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
NHỮNG CUỘC “TẤN CÔNG” TỪ BÊN NGOÀI
Tại TP. Vũng Tàu, vào khoảng tháng 6 đến tháng 10, lượng rác từ biển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) dạt vào một số bãi cũng gây nên tình trạng ô nhiễm nặng nề. Có những ngày từ khu vực Bãi Trước đến Bãi Dứa xuất hiện hàng chục tấn rác, chủ yếu là củi mục, bèo Tây, các loại rác thải nhựa... Theo thống kê, từ đầu tháng 6 đến nay, công nhân Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị TP. Vũng Tàu thu gom hơn 320 tấn rác dạt vào bờ biển, đoạn từ bãi tắm Long Cung (khu vực Chí Linh) đến mũi Nghinh Phong, Bãi Dứa và Bãi Trước. Ông Nguyễn Trung Trực, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị TP.Vũng Tàu cho biết, thời gian này công ty thường xuyên cử công nhân túc trực và nhanh chóng thu gom rác dạt vào biển Vũng Tàu. Có giai đoạn cao điểm, công nhân thu hơn 3 xe rác với khoảng 50-60 tấn mỗi ngày. Số rác này được vận chuyển đến bãi rác Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ để xử lý.
|
Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị TP. Vũng Tàu thu gom rác thải từ biển Vũng Tàu để đưa về khu xử lý chất thải tập trung tỉnh. |
Ở Côn Đảo, năm nào cũng vậy, cứ vào mùa gió chướng (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau), nhiều bãi biển trở thành bãi rác với hàng tấn rác thải từ đại dương dạt về. Theo Vườn Quốc gia Côn Đảo, rác thải ở đây chủ yếu là rác khó phân hủy như vỏ chai thủy tinh, can nhựa, mảnh xốp, lưới đánh cá và giày dép tấp vào bãi đá. UBND huyện Côn Đảo đã đề xuất nhiều phương án để xử lý rác thải, nhưng cách xử lý duy nhất hiện nay là tổ chức người đi thu gom và đốt. Biện pháp này nghe chừng cũng chưa hiệu quả.
HÀNH ĐỘNG ĐỂ BẢO VỆ ĐẠI DƯƠNG
Ông Trần Thanh Huyền, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cho biết, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không vứt rác bừa bãi, địa phương đang phối hợp với DN dịch vụ môi trường thu gom toàn bộ rác thải khu vực ven biển tại 8 khu phố trên địa bàn thị trấn. Sau khi các bãi tắm sạch đẹp, thị trấn sẽ bàn giao cho từng khu phố quản lý. Đồng thời địa phương cũng đã đề nghị UBND huyện Đất Đỏ hỗ trợ kinh phí xây dựng rào chắn tại dự án chưa triển khai để hạn chế tình trạng người dân đến ăn uống và vứt rác bừa bãi.
Bàn về các giải pháp bảo vệ môi trường cho các bãi biển, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, những năm qua các cấp, các ngành ở tỉnh BR-VT đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường biển như: Tổ chức các hoạt động “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”; chiến dịch làm sạch biển; triển khai các hoạt động truyền thông về môi trường… Dù vậy nhận thức bảo vệ môi trường biển của người dân, nhất là người dân chưa có sự thay đổi rõ nét.
Bài, ảnh: QUANG VŨ