Bình Thuận từng bước trở thành điểm sáng không những trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn trở thành điểm đến nghỉ dưỡng biển nổi tiếng thế giới.
Giải lướt ván buồm quốc tế Fun Cup tổ chức tại Bình Thuận năm 2017. (Nguồn: TTXVN)
Cùng với thương hiệu được khẳng định qua quá trình phát triển, hội nhập, du lịch Bình Thuận đang hướng tới một điểm đến mang tầm quốc gia và quốc tế.
Triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch Bình Thuận đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế du lịch ven biển.
Nhờ đó, Bình Thuận từng bước trở thành điểm sáng không những trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn trở thành điểm đến nghỉ dưỡng biển nổi tiếng thế giới.
Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, công tác quy hoạch phân khu các khu vực ven biển được quan tâm thực hiện, làm cơ sở cho việc kêu gọi, thu hút đầu tư dự án du lịch quy mô lớn.
Mặt khác, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án sớm triển khai đưa vào hoạt động; kiên quyết thu hồi những dự án không tích cực triển khai hoặc không có năng lực thực hiện.
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 21 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư, thu hồi 28 dự án du lịch chậm triển khai; lũy kế toàn tỉnh hiện có 378 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất 6.300 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 59.000 tỷ đồng.
Đến nay, địa bàn tỉnh có 184 dự án du lịch đã đi vào hoạt động.
Để tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng Khu Du lịch quốc gia Mũi Né theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đầu tư bình quân trên 10.000 tỷ đồng/dự án, quy mô đầu tư khoảng 1.000ha để triển khai các tổ hợp, khu phức hợp du lịch cao cấp.
Cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, với 490 cơ sở lưu trú, tổng số 15.000 phòng, hơn 860 căn hộ, biệt thự cho khách du lịchthuê.
Ngoài ra, tuyến đường sắt Sài Gòn-Phan Thiết duy trì ổn định đôi tàu SPT1 và SPT2; tuyến vận tải biển Phan Thiết-đảo Phú Quý hoạt động ổn định, đáp ứng tốt yêu cầu đi lại của nhân dân, du khách.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư đường cao tốc qua địa bàn tỉnh; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B; xây dựng sân bay Phan Thiết… tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với Lâm Đồng, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… góp phần thu hút các dự án đầu tư về du lịch.
Đồng thời, tỉnh triển khai bộ nhận diện, góp phần khẳng định và phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận đối với thị trường du lịch trong nước, quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho biết Bình Thuận hiện đã trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao, du lịch tín ngưỡng…
Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận. Các chỉ tiêu phát triển du lịch đều đạt kế hoạch, giữ được thị trường khách truyền thống.
Lượng du khách đến tỉnh tăng bình quân 13%/năm; GRDP du lịch năm 2017 chiếm 8,51%, năm 2018 chiếm 9,86% GRDP của tỉnh. Qua đó giúp giải quyết nhiều việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động các vùng ven biển.
Mặt khác, du lịch phát triển đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.
Là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận có vị trí thuận lợi là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đồng thời là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam như Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Tỉnh Bình Thuận có 192km bờ biển, với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành, có các di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc.
Bình Thuận nổi tiếng với thành phố Phan Thiết, những khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Mũi Né xanh rì hay đồi cát mênh mông nắng trải. Bên cạnh đó vùng đất này còn nhiều điều hấp dẫn đang đợi bạn khám phá. Nhờ có khí hậu ôn hòa, ít mưa bão, Bình Thuận thu hút lượng lớn du khách đến từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, một số nước Bắc Âu đến du lịch kết hợp tránh đông.
Ngay từ tên gọi, Bình Thuận đã gợi đến cảm giác yên bình. Nơi đây từ lâu đã trở thành địa chỉ du lịch lý tưởng cho những người yêu thích khám phá và nghỉ dưỡng.
Trong đó, thương hiệu du lịch Mũi Né-Phan Thiết của Bình Thuận đã được đưa vào bản đồ du lịch quốc tế.
Địa điểm này cũng trở thành nơi hội tụ của các tay đua lướt ván buồm, ván diều nổi tiếng thế giới đến từ Anh, Pháp, Nga, Đức…
Một góc khu du lịch Mũi Né, tỉnh Bình Thuận. (Nguồn: TTXVN)
Mũi Né cũng là nơi được chọn để tổ chức môn thể thao lướt ván buồm quốc tế hằng năm. Theo đánh giá, Mũi Né là một trong 50 bãi biển tốt nhất thế giới cho môn thể thao lướt ván buồm, một trong những bãi biển hàng đầu của châu Á cho môn thể thao này.
Nếu trước đây thiên nhiên Mũi Né hấp dẫn bởi vẻ đẹp quyến rũ của biển, của những đồi cát, những dãi bờ biển thơ mộng, những hàng dừa râm mát, thì hôm nay Mũi Né-Bình Thuận làm say lòng du khách bằng hàng trăm khu resort nghỉ dưỡng lớn, nhỏ.
Trong quá trình thể hiện đẳng cấp du lịch chuyên nghiệp, Mũi Né còn khẳng định thương hiệu của mình qua danh xưng thành phố của resort. Ước tính, chỉ riêng khu du lịch Mũi Né -Hàm Tiến đã chiếm tới hơn 70% số lượng resort của Việt Nam, trở thành “thủ đô của resort.”
Nhờ sự đổi mới trong công tác quản lý, đa dạng sản phẩm du lịch biển phục vụ du khách, hằng năm, số lượt du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng đều tăng cao.
Năm 2018, Bình Thuận đón trên 5,7 triệu lượt du khách (tăng 12,8% so với năm 2017). Doanh thu du lịch đạt 12.800 tỷ đồng (tăng 18,9% so với năm 2017), trong đó khách quốc tế đạt khoảng 675.000 lượt, tăng 14,3% so với năm trước, chiếm tỷ trọng cao là du khách đến từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Trong tương lai, tỉnh sẽ cung ứng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển cao cấp và dịch vụ du lịch có liên quan. Từ đó, tạo tiền đề để thu hút, phân khúc thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày.
Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2020, dự kiến toàn tỉnh đón khoảng 7 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân khách quốc tế từ 12-14% năm, doanh thu từ du lịch đạt 18.300 tỷ đồng, du lịch đóng góp khoảng 10% GRDP của tỉnh…/.