Chung tay làm du lịch nông nghiệp

Cập nhật: 09/07/2019
Ngày 8/7, tỉnh Hậu Giang phối hợp Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”, với sự tham dự của hơn 250 đại biểu trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ có ý nghĩa thực tiễn về phát triển du lịch nông nghiệp đã được trình bày tại hội thảo.

Ngay sau hội thảo đã diễn ra lễ ký kết ba bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa tỉnh Hậu Giang với các đối tác.

Những bài học kinh nghiệm quý báu

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ về cách mà nông dân Đồng Tháp “cùng nhau làm du lịch” thông qua các Hội quán nông dân với phương châm “Cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản trị, cùng nhau thụ hưởng”, không chỉ dựa vào những vườn hoa, cây trái, thửa ruộng... hữu hình, mà còn phải biết khai thác vốn văn hóa bản địa, vốn xã hội của cộng đồng dân cư tại địa phương.

Ông Hoan cho biết: “Ở Đồng Tháp, dù làm theo kiểu du lịch cộng đồng hay điểm tham quan, nếu muốn thu hút du khách, phải dựa vào năm yếu tố: gia đình hòa thuận - lợi ích cộng đồng - đam mê cháy bỏng - đổi mới sáng tạo và nhất là tạo ra được môi trường hài hòa, thân thiện, giàu bản sắc. Quan trọng là người lãnh đạo, từ tỉnh đến xã, phải thật sự cầu thị, hiểu, chia sẻ, hỗ trợ và định hướng cho bà con nông dân tự làm du lịch”.

Còn ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, cũng chia sẻ bài học về du lịch cộng đồng ở Hội An. Ở đó, người Hội An đã biết tận dụng các giá trị tài nguyên thiên nhiên như sông nước, đất đai, con trâu, cánh cò, rừng dừa, bãi biển... để tạo nên sản phẩm du lịch riêng không giống nơi khác, trên chính mảnh đất của mình. Người Hội An đã biết khai thác các giá trị của chính mình để tạo ra thương hiệu cho mình. Du lịch cộng đồng giúp cho người dân cảm thấy gắn bó, bảo vệ tốt môi trường. Cộng đồng cùng làm, cùng hưởng lợi. “Họ đang đi chung trên một con thuyền du lịch, nếu có sóng to gió lớn làm con thuyền chao đảo họ cũng bị ảnh hưởng nên mọi người phải đoàn kết để đi đến bến bờ. Đó là bài học phát triển bền vững của du lịch Hội An” - ông Sự chia sẻ…

Cần khai thác triệt để tiềm năng du lịch

Nhiều người ví du lịch Hậu Giang giống như một cô gái đẹp đang ngủ say và cần được đánh thức. Hậu Giang với viên ngọc xanh Lung Ngọc Hoàng, Chợ nổi Ngã Bảy đi vào bài hát Tình anh bán chiếu, Trúc lâm thiền viện, Rừng tràm Vị Thủy, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sáng tạo... và đặc biệt là, người Hậu Giang mến khách, nghĩa tình, thủy chung. Hậu Giang tuy giàu tiềm năng, nhưng mới chỉ bước những bước ban đầu, chưa có nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng được thương mại hóa và cạnh tranh được với các địa phương khác trong khu vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu nhìn nhận: “Mặc dù du lịch nông nghiệp của tỉnh nhà còn ở mức tiềm năng nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu chúng ta cùng nhau hợp tác và quyết tâm đi những bước thật nhanh, đúng hướng, đón đầu xu hướng thế giới. Hậu Giang sẵn sàn hợp tác và cần tiếp nhận công nghệ làm du lịch, để làm giàu hơn, đặc sắc hơn các sản phẩm du lịch hiện có, thích ứng với nhu cầu của thị trường và phải làm sao để du khách biết đến Hậu Giang và các sản phẩm du lịch đó”.

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt: Đối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng - một tài nguyên đất ngập nước, một viên ngọc quý hiếm của Việt Nam rộng hơn 2.800 ha ở ngay tại Hậu Giang. Nếu biết cách khai thác sẽ đem đến nguồn lợi không nhỏ. Ông Huê khuyến nghị: Hậu Giang nên coi Lung Ngọc Hoàng là điểm nhấn trung tâm để tổ chức các điểm dịch vụ chung quanh, nhưng phải theo nguyên tắc theo hướng bảo tồn và tập trung vào phân khúc khách du lịch cao cấp. Bảo tồn, giữ được tài nguyên, chứ không phải xây nhà nghỉ, xây khách sạn trong đó.

Còn theo ông Stierman Martin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Lodge ở xã Trường Long, TP Cần Thơ, trong phát triển du lịch, Hậu Giang cần cố gắng tạo điểm khác biệt và tốt hơn các tỉnh lân cận, nhưng vẫn phải hợp tác với họ. Đối với Lung Ngọc Hoàng, không nên coi là nơi kinh doanh du lịch bằng mọi giá, nhất là giá rẻ, với các dãy nhà homestay, nơi phát triển loại hình du lịch với công nghệ cao, mà phải giữ được sự tĩnh lặng, để có sự khác biệt trong sản phẩm du lịch. Phải xác định đón loại khách nào đến khu bảo tồn này, chứ không thể đón tất cả các loại khách.

Ông Martin cũng đề nghị và sẵn sàng hợp tác với ngành du lịch Hậu Giang cùng ban lãnh đạo Lung Ngọc Hoàng đưa khách cao cấp châu Âu nghỉ tại Ricefield Lodge ở Cần Thơ tới đây để “thưởng thức Lung Ngọc Hoàng”, mỗi tour không cần nhiều khách, theo phương châm “làm ít mà thu được nhiều”…

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ thông tin quý báu từ các đại biểu, qua đó, giúp nhận diện rõ khó khăn, thuận lợi trong phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng của tỉnh Hậu Giang trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, đề xuất các giải pháp trong liên kết làm du lịch nông nghiệp - một loại hình du lịch hiện đại đang thịnh hành trên thế giới và khởi sự tại Việt Nam, nhằm gắn kinh tế, đời sống cộng đồng của người dân với bảo vệ môi trường tự nhiên và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, bền vững…

PHÙNG DŨNG

Nguồn: Nhân Dân