Phong trào "Nói không với bao bì nhựa, túi nilon" đã bắt đầu lan tỏa trong xã hội. Nhưng, hành vi “sống xanh” đó mới mang tính “điểm sáng” chứ chưa thực sự phát triển mạnh mẽ thành trào lưu.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nhờ hệ thống hang Sơn Đoòng mà nổi danh toàn cầu, trở thành điểm đến được du khách quốc tế săn tìm, lựa chọn. Đó cũng là lý do giúp diện mạo du lịch tỉnh Quảng Bình khởi sắc, người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang làm du lịch cộng đồng rất đông.
Sự dịch chuyển này cũng mang đến nhiều bài học mà trong đó người dân buộc phải tuân theo nhu cầu thị trường nếu muốn tồn tại. Đơn giản như chuyện chủ một homestay chuyên đón khách nước ngoài ở Phong Nha, Quảng Bình chia sẻ, du khách quốc tế khi nhìn thấy ống hút, cốc nhựa mà các hộ dân bán, họ sẽ “tẩy chay” bằng cách không mua uống dẫn đến việc nhiều cơ sở lưu trú địa phương buộc phải chuyển đổi sang dùng cốc giấy, ống hút làm từ tre, gạo…
Đồng hành cùng người dân, Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa qua cũng tổ chức chương trình Caravan “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa” tại Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La (15-17/7).
Hơn 100 thành viên đoàn caravan đã diễu hành, quảng bá mục đích của chương trình tại ba điểm đến là thành phố Việt Trì, thành phố Hòa Bình và thị trấn Mộc Châu bằng việc dán các poster tại những khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn “xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường,” kết hợp với thu dọn rác thải, làm sạch môi trường.
Đoàn Caravan “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.” (Ảnh: Vi Phong)
Trách nhiệm với môi trường ở đâu?
Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa và 15 triệu khách nước ngoài. Với khách đi tour, các đơn vị lữ hành thường phát miễn phí từ 1-2 chai nước/ngày. Thử nhẩm tính, như vậy đã có hàng trăm triệu chai nhựa xả ra môi trường trong năm qua và không biết chúng thực sự có được xử lý hay không. Các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ cũng thải ra số lượng rất lớn ống hút, túi nilon.
Đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ông Phùng Quang Thắng chỉ ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ trong nước vẫn đang đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà quên đi trách nhiệm với môi trường và các sản phẩm du lịch.
Theo ông Thắng, hơn 3.000km đường biển Việt Nam và hàng loạt khu du lịch đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, khiến sức hấp dẫn của những điểm đến này giảm dần trong mắt du khách và ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch bởi tất cả các đơn vị lữ hành đều sống dựa vào những điểm đến.
Đứng ở góc độ du khách quốc tế đã đi khắp Việt Nam, Henri Mathieu đến từ Pháp nhận xét rằng, người Việt có thói quen sử dụng quá nhiều túi nilon. Một số điểm du lịch của Việt Nam rất nhiều rác thải, đặc biệt ở các vùng biển như Hạ Long, Lý Sơn, Bình Thuận… Anh cũng cho biết tại Pháp, tiền mua túi nilon còn đắt gấp nhiều lần vật liệu thân thiện môi trường.
Trong nhiều cuộc họp gần đây, chai nước nhựa đã được thay thế bằng chai thủy tinh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Những “điểm sáng”
Thời gian gần đây, phong trào "Nói không với bao bì nhựa, túi nilon" cũng đã bắt đầu lan tỏa trong xã hội. Nhưng, hành vi “sống xanh” đó mới mang tính “điểm sáng” chứ chưa thực sự phát triển mạnh mẽ thành trào lưu.
Thực tế, nhiều khu du lịch bắt đầu nói không với túi nilon, chai nước nhựa, siêu thị dùng lá chuối hay túi cói để gói hàng, quán càphê dùng ống hút giấy hay ống tre...; khách sạn chuyển sang dùng chai thủy tinh.
Bên cạnh đó, một số công ty lữ hành Việt Nam cũng đưa ra những tour du lịch kết hợp cùng nông dân ở Thanh Hóa, Đà Nẵng trồng cây xanh, nhặt rác thải trên bãi biển, cùng thành phố Hội An một ngày không có nilon; tổ chức các tour nhặt rác tại Nha Trang hoặc yêu cầu khách mang rác của họ về sau các chuyến trekking đường rừng nhằm bảo vệ môi trường…
Tham gia các chương trình này du khách vừa có dịp dược hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm sống xanh vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Những đồ dùng được khuyến khích sử dụng thay thế túi nilon và đồ nhựa.
Đặc biệt mới đây, Ủy ban Nhân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quy định các cơ quan, đơn vị không dùng nước uống đóng chai sử dụng một lần mà chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn, các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu dễ phân hủy; không sử dụng túi nilon, khăn lau một lần trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị và tại các hội họp.
Lãnh đạo tỉnh này còn yêu cầu Sở Tài chính không thanh toán các khoản chi có sử dụng các sản phẩm nhựa, nilon sử dụng một lần, khó phân hủy trong cơ quan hành chính nhà nước.
Cùng chung tay hành động
Trước sự tham gia của các đơn vị hành chính địa phương và doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Lan cho biết, chương trình “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa” không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 mà sẽ được duy trì thường niên.
“Hiện tuy Hiệp hội Du lịch Việt Nam chưa yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành ký cam kết tham gia hưởng ứng chương trình nhưng thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiến hành phổ biến, đưa vào chương trình hành động cụ thể đến từng hội viên, vận động và kêu gọi để các hội viên tự nguyện tham gia chương trình này,” bà Ngọc Lan khẳng định.
Cùng chung tay để có những bãi biển sạch rác. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Chương trình sẽ áp dụng trong các khu, điểm du lịch và trong hoạt động của các doanh nghiệp du lịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang thể hiện mạnh mẽ quyết tâm xây dựng các mô hình, điểm đến được công nhận bền vững về môi trường, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ quản lý du lịch theo hướng bền vững; thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch theo đúng quy định.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhận định, đây là hoạt động mang tính lâu dài nên hằng năm sẽ có tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm… với các doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu trong triển khai chương trình để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tiếp theo.
Nếu mô hình này được nhân rộng không chỉ trong khối doanh nghiệp, mà tinh thần chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa được các cơ quan quản lý và người dân cả nước hưởng ứng thì tương lai không xa, chúng ta có quyền hy vọng Việt Nam sẽ trở thành môi trường sống xanh, thân thiện và thu hút không chỉ hàng chục triệu mà là hàng trăm triệu du khách quốc tế.
Vấn đề là, hãy cùng hành động ngay hôm nay!