Người ta thường gọi xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa thiên - Huế) là tràm chim phá Tam Giang.
Chim nước thường tập trung vào mùa đông, số lượng có thể lên đến 2 vạn con, có người đã từng bắt gặp những đàn ngỗng trời khoảng 500 con, vịt trời khoảng 1.000 con, đặc biệt sâm cầm có đàn lên tới 2.000 - 5.000 con.
Qua Cửa Lác
Chúng tôi chuyển qua thuyền nhỏ để vào Cửa Lác. Thuyền chạy chậm quanh co giữa hai bờ tre trúc, chủ yếu là cây lác um tùm vượt quá đầu người. Gọi Cửa Lác cũng phải, bởi từ cửa vào đến đầu thôn Thủy Nịu đôi bờ toàn lác là lác. Tam Giang là cả một sân chim vì những đàn ngỗng trời, vịt trời sà xuống kiếm ăn giữa phá. Đa số các loài chim không kiếm ăn được ở vùng ngập nước sâu (phá Tam Giang nơi sâu nhất gần 10m). Loài diệc, loài cò chân dài cũng chỉ kiếm ăn quanh bờ. Loài chim cũng như loài người tìm nơi trù phú mà ở. Bởi vậy, những con sông đưa phù du về phá Tam Giang tạo nên những đầm chim là điều dễ hiểu.
Chúng tôi nhìn về phía bắc - là vùng phù sa màu mỡ nhờ hai con sông Nịu, sông Ô Lâu đưa về Quảng Thái. Từ phá Tam Giang xoay một vòng cung ra hướng Bắc rồi Đông Bắc, thì gặp các xã có đất đầm: Phong Chương, Phong Bình, Điền Hương (giáp huyện Hải Lăng - Quảng trị), Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hòa, Điền Hải (thuộc huyện Phong Điền) rồi vòng vào Quảng Ngạn, Quảng Công, cửa biển thuận An…
Từ Quảng Ngạn sang Quảng Thái là thuyền đã vượt phá Tam Giang! Tới đây những tên đất, tên làng đọc lên nghe rất thú vị: Thủy Nịu, Trằm Vịnh, Trằm Ngang, Trằm Nẩy, Trằm Dẹt (trằm có nghĩa là vùng đất sâu xuống, lõm xuống như đầm lầy) với những khe nước dọc ngang như kênh rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Men phá Tam Giang trở vào Huế sẽ gặp các làng quê trù phú như Lợi, Sịa, Sình...
Chim trời cá nước
Tháng 7/1998, tại Hội thảo khoa học "Quản lý và bảo vệ đất ngập nước ven biển Việt Nam" (vùng được đề xuất chọn lựa làm khu bảo tồn đất ngập nước theo công ước RAMSAR) đã có nhận định rằng: những kết quả khảo sát mới tại phá Tam Giang đã cho phép bổ sung một danh mục chim khá phong phú. Trong đó, có 34 loài di cư, 36 loài định cư, 28 loài có giá trị kinh tế cao, 25 loài được ghi trong danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng Châu âu và một loài ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Ngày 29/5/2001 tại khu vực có nhiều tràng cát, bàu ngọt thuộc huyện Quảng Điền, ông Hồ Nậc, nông dân đội 1 thôn Cồ Tháp, xã Quảng Lợi tình cờ bắt được một con chim lạ, có người đoán là chim bồ nông (Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Thừa thiên - Huế đã cử chuyên viên về tận nơi khảo sát). Chim màu đen, dưới bụng màu trắng, chân màu xám đen không có màng, cổ không có lông, mỏ màu ngà, gốc mỏ màu đỏ. Đầu bóng không có lông, phần giữa đầu và cổ có các sợi lông màu nâu có lúc nở xòe giống như hạc. Đây là loài chim sếu đầu đỏ quý hiếm thuộc sách đỏ đang ở trong tình trạng bị đe dọa ở mức nguy cấp trên thế giới.
Trời chập choạng tối là du khách nghe thất tiếng cu gù rất gần và nghe rõ cả tiếng “cúc cù cu, cúc cù cu”. Rời làng, lên thuyền đi tiếp cuộc hành trình khám phá Tam Giang về phía TP. Huế, 15 phút lướt nước trong cái gió mang hơi nóng của nắng, sẽ tới rú Chá - rừng ngập mặn đặc hữu của phá. Cây chá ở đây gần như cây sú, vẹt ở duyên hải phía bắc hay hay cây mắm đước ở rừng U Minh có tốc độ tăng trưởng thần tốc và sức lấn biển thần kỳ. Bước vào rừng như bước vào một thế giới cách biệt với nắng gió nóng bên ngoài, từng lớp cây dày như bức tường, phả hơi mát lạnh.
Buổi chiều trên phá Tam Giang, khung cảnh thiên nhiên hiền hòa, thơ mộng… Theo cư dân ở đây cho biết, khoảng đầu tháng 6 đến giữa tháng 7 hàng năm, du khách ra rú tham quan nhiều...