Một giây vứt bỏ túi ni lông phải đổi lại hơn 1.000 năm để chúng phân hủy. Thế nhưng, một giây “nghĩ xanh” thôi chúng ta đã góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường sống trên Trái đất.
Từ năm 1950 đến nay, thế giới đã sản xuất ra hơn 9 tỷ tấn nhựa Plastic và phần lớn chúng vẫn còn tồn tại xung quanh chúng ta. Trong khi số rác thải kể trên chất thành núi lớn mà không phân hủy được, con người vẫn cứ tiếp tục sản xuất thêm nhiều nhựa hơn nữa.
Theo số liệu thống kê trong vòng 30 năm trở lại đây, chúng ta đã tạo ra phần nửa số rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường. Tốc độ phát triển đáng báo động của rác thải nhựa có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình, khi mà con số này đã tăng từ 1% lượng rác thải toàn cầu lên thành 10% chỉ trong chưa đầy 50 năm.
Trong khi đó, con người quăng rác thải nhựa xuống những dòng sông, xuống đại dương mênh mông và nghĩ rằng nó đã tránh xa môi trường sống. Nhưng không phải vậy nó lại quay lại trong hình hài khác nguy nghiểm hơn, cho chính tương lai chúng ta.
Ống hút tre, cỏ bàng đang dần thay thế ống hút nhựa. Nguồn: Internet.
Vì lẽ đó mà Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững (RIO+20) đã thông qua Tuyên bố chung “Tương lai chúng ta mong muốn” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển do vấn đề rác thải nhựa trên biển (marine plastic waste) gây ra.
Tiếp đó, Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 25/9/2015 cũng đưa ra một Kế hoạch hành động gồm 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 Chỉ tiêu cụ thể, trong đó, có những mục tiêu (11, 12 và 14) liên quan nhiều đến vấn đề rác thải nhựa trên biển. Việc xác định các nguồn phát sinh cũng như khối lượng rác thải nhựa trong môi trường biển và ven biển sẽ giúp cho việc quản lý chất thải, ngăn ngừa nguy hại tới đời sống thủy sinh.
Đến hôm nay, một tín hiệu tích cực khi trào lưu sống xanh, bảo vệ môi trường đang được nhiều người dân trên thế giới hưởng ứng với hình thức sử dụng ống hút tre, ống hút inox thay cho ống hút nhựa, sử dụng túi giấy, túi vải thay cho túi ni lông…
Tuy vậy, giải quyết rốt ráo vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa không phải câu chuyện một sớm, một chiều. Làm sạch môi trường không chỉ là việc dọn rác hằng ngày và gói gọn trong phạm vi công việc của những công nhân môi trường. Chúng ta kỳ vọng, “phong trào dọn rác” cũng như “nói không với túi ni lông”, “nói không với ống hút nhựa” đang được các cơ quan chức năng “thổi lửa” sẽ tiếp tục lan rộng thành nhiều phong trào tương tự nữa.
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một việc làm đúng đắn vì lợi ích chung đối với môi trường toàn cầu!
Phương Anh