(TITC) - Du lịch Việt Nam hiện đang giữ được tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến khá cao so với khu vực và quốc tế, số lượng khách du lịch nội địa duy trì tốc độ tăng trưởng. Khách du lịch ngày càng gia tăng bởi nhu cầu đi du lịch ngày càng lớn nhưng cũng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng dịch vụ và trải nghiệm. Vậy các điểm đến cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng sức hấp dẫn và thu hút khách đến nhiều hơn.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng cạnh tranh mạnh mẽ giữa các điểm đến, việc xác định đối tượng khách làm trung tâm và cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến, đem đến sự hài lòng cho du khách là yêu cầu tất yếu đối với các điểm đến.
Chủ đề “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến” đã được thảo luận tại Hội nghị chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2019, diễn ra vào ngày 09/12 tại Hà Nội.
Đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung khẳng định, du lịch là một trong những lĩnh vực có nhiều lợi thế và còn nhiều dư địa để phát triển, là vận hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Thời gian qua, du lịch Việt Nam phát triển mạnh với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng cao. Năm 2018, du lịch Việt Nam đã đón 15,5 triệu lượt khách (tăng 19,9% so với năm 2017), đóng góp trực tiếp ước đạt 8,39% vào GDP. Khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đầu năm 2019 đạt gần 16,3 triệu lượt khách, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung phát biểu tại hội nghị (Ảnh: BTC)
Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp, tạo cơ sở thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực. Giai đoạn này cho thấy nhiều dự án, công trình phục vụ du lịch đã được đầu tư, qua đó đã tạo dựng lên các khu du lịch có quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó góp phần tạo đòn bẩy tăng trưởng du lịch trong cả nước và mỗi địa phương trong thời gian qua.
Chính sự kỳ vọng, niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược vào du lịch đang đặt ra những mục tiêu, vai trò và nhiệm vụ lớn hơn cho ngành Du lịch. Đó là những yêu cầu tất yếu đòi hỏi ngành Du lịch phải đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và tối ưu hóa các nguồn lực đầu tư nhằm cải thiện chất lượng, dịch vụ, để cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến.
Phó Tổng cục trưởng hy vọng với sự hỗ trợ, vào cuộc tích cực của khối doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp cho du lịch Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, các chuyên gia đã cùng trao đổi, thảo luận nhằm mục tiêucải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến cần tập trung vào 5 vấn đề chính: (1) nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm tại điểm đến, (2) đầu tư nâng cấp hạ tầng, (3) bảo vệ môi trường tại điểm đến, (4) chất lượng nguồn nhân lực, và (5) ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch. Qua đó đem đến sự hài lòng, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist, du lịch đã có bước phát triển rất tích cực, nhưng có những mặt khiến du khách còn chưa hài lòng như vấn đề giao thông, môi trường, chi phí tour cao do chưa có đường bay thẳng tới các điểm du lịch. Người làm du lịch cần quan tâm khả năng hỗ trợ du khách khi gặp sự cố, thủ tục visa, đầu tư đầy đủ dịch vụ mua sắm, giải trí, chú ý cả tổ chức tốt hoạt động, dịch vụ ban đêm...
Để tăng chi tiêu của khách du lịch, hiện nhiều địa phương đã chủ động phát huy những thế mạnh của mình để tạo các sản phẩm du lịch mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống. Thừa Thiên Huế luôn đặt việc bảo tồn các giá trị văn hóa triều Nguyễn là mục tiêu quan trọng nhất trong phát triển du lịch. Vì vậy, các di sản thường xuyên được bảo tồn, phục dựng, tu bổ và góp phần nâng cao giá trị gia tăng đem đến trải nghiệm cho du khách. Hay tại tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch như phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Tày, Dao; Quảng Nam với phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh…
Theo GS. TS Nguyễn Văn Đính (Hội đồng khoa học của Hiệp hội Du lịch Việt Nam), nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Hiện cả nước có 192 cơ sở đào tạo du lịch, đội ngũ giảng viên còn thiếu.
Bàn về nhân lực du lịch, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist nhấn mạnh thái độ của người làm du lịch có tác động đến trải nghiệm của du khách. Vì vậy cần chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cả đội ngũ nhân lực phục vụ trực tiếp và đội ngũ quản lý du lịch ở điểm đến.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe chia sẻ của chuyên gia Dự án EU về nghiên cứu thí điểm bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến tại Việt Nam, đại diện Hội Du lịch cộng đồng về mô hình du lịch cộng đồng mới được đầu tư ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam…
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý của các đại biểu, nhìn chung cùng đồng tình để cải thiện trải nghiệm cho du khách, các điểm đến phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo dựng thương hiệu; hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các điểm đến được đầu tư; các bên liên quan cần nhận thức về chuyển đổi số, khai thác và làm chủ dữ liệu, ứng dụng công nghệ trong quản lý điểm đến và xây dựng các sản phẩm sáng tạo góp phần tăng tính hấp dẫn cho điểm đến du lịch; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường cảnh quan là yếu tố sống còn với sự phát triển bền vững của điểm đến.
TH - KT