Để đảm bảo vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn thiên nhiên, mô hình “du lịch xanh” đã trở thành xu hướng của nhiều địa phương trên cả nước.
Huế đẹp hơn nhờ duy trì “Ngày Chủ Nhật xanh”
Tại Huế - một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại miền Trung, từ khi phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” ra đời đã có nhiều mô hình giữ gìn môi trường được hình thành, trong đó, nổi lên là mô hình “Dòng Hương trong xanh”.
Mô hình này được được Câu lạc bộ “Cảm ơn dòng Hương” sáng lập nên, phối hợp với các đơn vị và lực lượng vũ trang xung kích trên địa bàn TP. Huế tiến hành nhặt rác trên sông Hương.
Cứ vào ngày cuối tuần, hàng trăm người từ trẻ đến già yêu sông Hương đã giành thời gian nghỉ của mình để cùng nhau đi vớt rác, kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và di sản nằm dọc theo dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế.
|
Kết nối du lịch xanh
|
Hàng chục tấn rác thải các loại, bèo tây... trên sông đã được thu gom, các công viên dọc hai bên bờ sông Hương cũng trở nên sạch đẹp. Ngoài ra, còn tuyên truyền đến người dân, du khách hạn chế thả túi ni lông, rác thải, vàng mã... xuống sông với thông điệp “Sông Hương cho nước mát trong - Xin đừng trả rác đau lòng sông tôi”.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện, Sở đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp các thùng rác thông minh để bố trí đặt trên thuyền du lịch, một số điểm tham quan di tích gần sông Hương, góp phần tích cực để mô hình trên được lan tỏa và duy trì…
Du lịch Bình Định nói không với nạn xả rác
Sức hút từ giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN” tại Diễn đàn du lịch ASEAN, cùng với thời tiết thuận lợi giúp thành phố Quy Nhơn trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Trong kỳ nghỉ Tết, lượng du khách đến Bình Ðịnh đạt hơn 250 nghìn lượt người, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đáng ngạc nhiên, hầu hết các điểm, khu du lịch đều không còn nạn xả rác của du khách tham quan.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đến một số điểm tham quan du lịch tại thành phố Quy Nhơn, đều không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp sắc trời của cảnh vật, con người, mà hơn hết là sự sạch sẽ, nạn xả rác ăn uống bừa bãi của khách tham quan du lịch đã không còn nữa như trước đây.
Điểm đầu tiên là Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn. Từ dốc Mộng Cầm lên mộ Hàn Mạc Tử, qua nhà hàng Hoàng Hậu, bãi tắm Hoàng Hậu, Hòn Chồng hai bên đường sạch sẽ, bóng cây che mát mẻ, cảnh vật sinh động hòa cùng dòng người tham quan thưởng lãm đều trở nên đẹp đẽ lạ thường.
Mặc dù, dịp Tết lượng khách đến thành phố Quy Nhơn khá đông, chủ yếu để tắm biển, thưởng thức món ăn hải sản của thành phố biển hiền hòa này, nhưng bãi biển vẫn đẹp lung linh trải dài, uốn lượn dưới màu nắng vàng rực rỡ.
|
Nhiều em nhỏ được bố mẹ giáo dục nhận thức về việc xả rác đúng nơi quy định để bảo vệ môi trường
|
Tại Khu du lịch Eo Gió tại xã Nhơn Lý, trước đây, rác ngập trắng biển, nhưng nay đã không còn rác. Từng con đường nhỏ đi trong khuôn viên Khu du lịch đều có chú chim cánh cụt miệt mài nhận rác từ du khách vứt ra. Tại các điểm ra vào Khu du lịch Eo Gió đều có bảng chỉ dẫn “Hãy bỏ rác vào thùng”. Cứ thế Eo Gió thay đổi, khoác lên mình chiếc áo mới sạch sẽ, trong lành, bởi môi trường không có rác thải.
Ông Ngô Hoàng Nam - Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết, trước Tết, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch quán triệt tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường tại các điểm, khu du lịch, đường sá, bãi biển nơi có khách du lịch tham quan, thưởng lãm. Khách đến mà để họ nhìn thấy rác là kỳ lắm. Quy Nhơn được nhận giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN” thì càng phải tăng cường công tác bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết.
Đến chỉ để mang về những bức ảnh đẹp
Tại nhiều điểm tham quan du lịch, di tích, vãn cảnh đầu xuân ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định… điều dễ nhận ra nhất là môi trường, cảnh quanh khá sạch, xanh, đẹp. Đối với một số khu du lịch, nhiều du khách còn chủ động trang bị bình đựng nước riêng, tránh sử dụng chai nhựa dùng một lần để giảm phát thải rác thải nhựa.
Tại Di tích danh thắng Phủ Na, xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hóa), trong ngày 27/1 (tức ngày mùng 3 Tết) có rất đông du khách đến tham quan, vãn cảnh đầu xuân, tuy nhiên, khuôn viên của di tích này khá sạch sẽ. Rác thải từ hoạt động mua bán được mỗi tiểu thương tự thu gom, còn rác thải phát sinh từ mỗi du khách như vỏ chai nước, hoa quả… đều được mỗi người tự ý thức bỏ vào thùng rác công cộng, không có tình trạng xả rác bừa bãi.
Tại Di tích Cửa Đạt, xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, cách trung tâm TP. Thanh Hóa hơn 60 km về phía Tây, cũng theo ghi nhận của PV trong ngày mùng 4 Tết, dọc đường vào và trong khuôn viên di tích đều được Ban quản lý lắp đặt các thùng rác công cộng và đội vệ sinh môi trường thường xuyên túc trực để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tại quần thể Danh thắng Tràng An, việc xả rác bừa bãi, xâm hại cảnh quan hầu như đã không có trong di sản này. Đến với Ninh Bình nói chung và Tràng An nói riêng, du khách “không để lại gì ngoài những dấu chân và không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp” đã đi sâu vào nhận thức của mỗi người khi đặt chân đến với vùng đất Cố đô.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, Ninh Bình ước đón 717.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 42.200 lượt, lượng khách tăng đột biến trong thời gian ngắn, thế nhưng cảnh quan, môi trường của các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo, không có tình trạng ô nhiễm, xả rác tại các danh thắng, di tích.
Để đạt được như vậy, cứ mỗi dịp Tết, Sở Du lịch luôn luôn chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị quản lý khu, điểm du lịch tăng cường công tác vệ sinh môi trường, xây dựng phương án đón tiếp khách du lịch. Tập huấn cho người lái đò, nhân viên về các nghiệp vụ, kỹ năng vừa là “đại sứ” du lịch giới thiệu nét đẹp đất và người Cố đô vừa là “đại sứ” môi trường trong việc tuyên truyền, hướng dẫn du khách chung tay bảo vệ môi trường.