Phú Quốc là thành phố đầu tiên của Việt Nam cam kết trở thành Đô thị Giảm nhựa

Cập nhật: 13/02/2020
Phú Quốc là một trong ba thành phố đầu tiên của Đông Nam Á, cùng với Patong (Thái Lan) và Donsol (Philippines) cam kết loại bỏ ô nhiễm nhựa

Ông Mai Văn Huỳnh cùng với đại diện hai thành phố của Thái Lan và Philippines nhận quà tặng danh dự từ WWF sau khi ký kết bản Tuyên bố

© WWF-Singapore

Phú Quốc là một trong ba thành phố đầu tiên của Đông Nam Á, cùng với Patong (Thái Lan) và Donsol (Philippines) cam kết loại bỏ ô nhiễm nhựa bằng cách xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo. Đô thị Giảm nhựa là một sáng kiến của WWF nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Trong vòng chưa đầy 12 tháng, WWF đã huy động được 40 triệu USD để hỗ trợ cho các dự án kinh tế tuần hoàn tại các thành phố ở Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines. 

Ước tính khoảng 60% lượng rác nhựa thải ra biển có nguồn gốc từ các đô thị, trôi theo sông và đổ ra biển. Dân số đô thị đang ngày càng tăng nhanh và dự đoán đến năm 2050 sẽ chiếm tới 2/3 dân số toàn cầu. Trong bối cảnh này, cư dân thành phố cần khẩn trương áp dụng các giải pháp thông minh nhằm hạn chế ảnh hưởng tổng thể của họ lên môi trường thông qua ngăn chặn, giảm tối đa và quản lý hiệu quả việc sử dụng nhựa. Hiện nay, nhiều sáng kiến và hành động đã được triển khai; do đó WWF mong muốn thúc đẩy nhân rộng những giải pháp này trên toàn cầu và kêu gọi các thành phố trên thế giới trở thành các Đô thị Giảm nhựa.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp có Trách nhiệm Singapore 2019, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện đảo Phú Quốc – ông Mai Văn Huỳnh, Cố vấn cho Thị trưởng thành phố Patong, Thái Lan – ông Kumnung Sing-Eaim và Thị trưởng thành phố Donsol, Philippines – bà Josephine Alcantara đã đại diện cho các thành phố của mình ký xác nhận vào Bản Tuyên bố Tham gia Chương trình Đô thị Giảm nhựa của WWF. 

Thông qua sáng kiến Đô thị Giảm nhựa, WWF xây dựng năng lực cho các thành phố nhằm đạt được mục tiêu loại bỏ ô nhiễm nhựa vào năm 2030. Một diễn đàn trực tuyến lưu trữ những kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả nhất sẽ được ra mắt tại Diễn đàn Đô thị Thế giới tổ chức vào tháng 2, năm 2020. Song song với hoạt động này, WWF kêu gọi các thành phố ở châu Á đăng ký và chia sẻ những kinh nghiệm hiệu quả nhất của họ tại www.plasticsmartcities.org. Sự kiện ngày hôm qua chính là khởi đầu cho một chiến dịch dài hạn nhằm giảm nhựa toàn cầu thông qua việc chia sẻ sáng kiến và thử nghiệm giải pháp chống ô nhiễm nhựa tại những thành phố ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống ô nhiễm rác nhựa. Các thị trưởng cũng kêu gọi các chính phủ ban hành một thoả thuận ràng buộc về mặt pháp lý có phạm vi toàn cầu nhằm ngăn chặn nhựa gây ô nhiễm đại dương. 

Ông Vincent Kneefel, Giám đốc Toàn cầu Chương trình Đô thị Giảm nhựa của WWF phát biểu: “Với tám triệu tấn nhựa đổ vào đại dương mỗi năm, việc quản lý rác thải nhựa sai cách đang đe doạ nghiêm trọng con người và môi trường, đặc biệt là các dòng sông và biển cả. Ngày hôm nay, chúng tôi tự hào ra mắt sáng kiến Đô thị Giảm nhựa và tự tin rằng với sáng kiến này, chúng ta có thể tạo nên một phong trào toàn cầu thúc đẩy các thành phố cùng hành động để đối phó với ô nhiễm nhựa và ngăn chặn rò rỉ nhựa vào thiên nhiên. Chương trình Đô thị Giảm nhựa sẽ củng cố các giải pháp ngăn chặn, đo lường và quản lý rác nhựa ở cấp địa phương. Mục tiêu của chúng tôi là đẩy mạnh các kinh nghiệm hiệu quả trên thế giới và đảm bảo rằng những biện pháp giảm nhựa và quản lý rác thải thông minh sẽ được chia sẻ rộng rãi. Với cam kết mạnh mẽ của các thành phố, chính phủ và ngành công nghiệp, chúng ta có thể chấm dứt vấn đề rác nhựa rò rỉ ra môi trường và đảm bảo an toàn cho cả con người và thiên nhiên.”

Một vài số liệu về ô nhiễm nhựa: 

Tám triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm;

Lượng khí thải CO2 từ toàn bộ vòng đời của nhựa dự kiến tăng 50%, trong khi đó lượng khí CO2 thải ra từ việc đốt rác nhựa có thể tăng gấp ba vào năm 2030 do phương pháp xử lý rác thải sai cách;

Ước tính tới năm 2030 sẽ có thêm 104 triệu tấn nhựa rò rỉ vào hệ sinh thái của chúng ta nếu không có một sự thay đổi quyết liệt nào trong cách tiếp cận;

Từ năm 2000, thế giới đã sản xuất ra một lượng nhựa bằng với tổng lượng nhựa của tất cả các năm trước cộng lại, trong đó 1/3 lượng nhựa này đã rò rỉ vào tự nhiên;

Hơn 270 loài sinh vật hoang dã đã được ghi nhận bị vướng vào rác nhựa, trong khi hơn 240 loài đã được phát hiện nuốt phải rác nhựa.               

Những nỗ lực của Phú Quốc trong giảm rác thải nhựa trong thời gian vừa qua: 

Trong hơn một năm qua, WWF cùng với chính quyền huyện đảo Phú Quốc, các doanh nghiệp, trường học và các cá nhân nỗ lực không ngừng để giảm rác thải nhựa tại đảo. Một số kết quả đáng ghi nhận:

Tháng 6 năm 2019, UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định tất cả các văn phòng của huyện sẽ không sử dụng chai nước uống bằng nhựa dùng một lần và thay vào đó là bình nước và ly dùng được nhiều lần;

Kể từ tháng 7 năm 2019, Phú Quốc thực hiện ngày thứ Bảy đầu tiên hàng tháng là ngày Vì Môi trường. Trong ngày này, chính quyền và người dân cùng tham gia dọn dẹp môi trường xung quanh đảo; Hàng ngàn lượt người đã tham gia và trăm tấn rác thải vứt không đúng chỗ đã được thu gom.

WWF và huyện đảo đã cùng xây dựng kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa tại Phú Quốc tới năm 2025;

Tất cả các trường học ở Phú Quốc đã hưởng ứng phong trào nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của rác nhựa đối với môi trường, nhiều sáng kiến, hành động cụ thể đã được giáo viên và học sinh triển khai nhằm giảm thiểu rác nhựa trong trường học và lan toả thông điệp giảm nhựa tới cộng đồng; Hiện nay đã có 19 khu nghỉ dưỡng và khách sạn chính thức cam kết giảm rác thải nhựa với kế hoạch cụ thể; 16 nhà hàng cam kết không phục vụ đồ nhựa dùng một lần.

Nguồn: WWF Vietnam