Ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đang là một vấn đề “nhức nhối” đối với nhiều dòng sông, cửa biển ở nước ta. RTN bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông và khi trôi ra biển, việc xử lý RTN sẽ càng thêm khó khăn vì việc đầu tư để nghiên cứu và xử lý các vấn đề trên biển khác hẳn trên đất liền. Theo thống kê, hiện có khoảng 40 - 70% RTN trên biển là từ đất liền, nên việc ngăn chặn ngay tại nguồn là rất quan trọng.
Áp lực RTN trên các dòng sông và cửa biển
Tại cửa sông Ông Đốc, là trung tâm của thị trấn Sông Đốc (Cà Mau), hàng trăm người dân sống ven theo hai bên bờ và các kênh, rạch nhỏ nối ra cửa sông. Thời gian gần đây, do ý thức kém, nhiều người dân vô tư xả rác, nên mỗi khi thủy triều lên, các vật dụng như túi ni lông, hộp xốp, các vật dụng từ nhựa nổi lềnh bềnh trôi theo dòng nước. Khi nước rút, vẫn còn đó những rác thải trên đọng lại hai bên bờ sông.
Cũng giống như vậy, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, sông Hương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm RTN nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu của Khoa Môi trường, Đại học Huế cho thấy, một đoạn sông Hương từ cầu Dã Viên đến cầu Chợ Dinh (kéo dài khoảng 5 km), dưới đáy sông đã chứa 543,8 tấn RTN (nếu tính khối lượng khô là 149,1 tấn). Khối lượng nhựa tồn tại ở đáy sông có xu hướng tăng dần theo dòng chảy của sông.
Không chỉ sông Hương, thực trạng này đang xảy ra ở cửa sông lớn nhất ở miền Bắc - cửa Ba Lạt, nơi sông Hồng chảy ra biển. Do rất gần Vườn quốc gia Xuân Thủy, nên những ô nhiễm RTN tại cửa sông Ba Lạt có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn ở đây. Trước những mối lo về sinh thái, năm 2018, TS. Chelsea Rochman, Khoa Sinh thái học và Sinh học tiến hóa, Đại học Tổng hợp Toronto (Canada), đã phối hợp với một số nhà nghiên cứu ở Tổ chức Bảo tồn đại dương và Viện Nghiên cứu Biển và hải đảo, đánh giá hiện trạng ô nhiễm RTN ở khu vực cửa Ba Lạt sông Hồng. Kết quả khảo sát các điểm dọc theo bờ sông, cửa sông, phần đê sông và phần đất hướng ra biển cho thấy, các điểm dọc sông Hồng là nơi có mật độ rác thải cao nhất.
Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là lưu vực sông lớn thứ chín tại Việt Nam, được xem là hệ thống sông lớn duy nhất tại khu vực miền Trung đổ ra Biển Đông từ khu vực Hội An cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải từ đầu nguồn. Qua kết quả khảo sát, thống kê sơ bộ từ Nhóm tư vấn chất thải và nguồn (RWA), tài trợ của Viện Nước quốc tế Thụy Điển (SIWI) trong tháng 10/2019, có 3 nguồn rác thải chủ yếu phát sinh trên lưu vực sông (LVS) Vu Gia - Thu Bồn gồm rác thải sinh hoạt, rác thải thương mại và rác thải du lịch với tổng lượng phát sinh đạt gần 1.650 tấn/ngày (khu vực đô thị chiếm gần 70%). Tổng lượng RTN phát sinh ở LVS Vu Gia - Thu Bồn là 281 tấn/ngày, trong đó lượng TRN không được thu gom là 36,5 tấn/ngày.
Một khối RTN quyện vào nhau trôi dạt trên biển Đà Nẵng
Ô nhiễm nhựa tiềm tàng nguy cơ dẫn đến áp lực cho các loài thủy sinh, hủy hoại giá trị thẩm mỹ các bãi biển cũng như tích tụ chất độc sinh học rò rỉ từ RTN. Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu khoảng 10% - 25% lượng chất thải không được kiểm soát sẽ đi vào các nguồn nước mỗi ngày. Kết quả là sẽ có khoảng từ 3,7 - 9,1 tấn RTN có khả năng rò rỉ vào nguồn nước. Do đặc thù LVS khu vực miền Trung có độ dốc lớn, nước chảy nhanh nên các tác động, tổn thương từ thượng nguồn sẽ lan xuống hạ lưu nhanh hơn LVS ở những vùng khác.
Tiếp cận phương pháp quản lý tổng hợp RTN từ nguồn tới biển
Quản lý tổng hợp RTN từ nguồn tới biển là phương pháp mới rất hiệu quả, đang được áp dụng thí điểm tại hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, nhằm ngăn chặn rác thải nhựa từ đầu nguồn theo dòng nước chảy xuống vùng hạ lưu tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Đây là Dự án Quản lý tổng hợp LVS Vu Gia - Thu Bồn và khu vực ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng, được IUCN hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp cùng UBND TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam triển khai từ tháng 12/2016, với thời gian 3 năm (2017 - 2020).
Triển khai Dự án này, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận phối hợp quản lý LVS Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo đó, hai địa phương cùng xây dựng kế hoạch, quy hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước LVS Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển. Trong đó, vấn đề tài nguyên nước phải được đặt trong mối quan hệ với các hoạt động phát triển khác trong cùng lưu vực, vùng bờ, trong mối liên kết giữa LVS từ thượng lưu đến hạ lưu và vùng ven biển của 2 địa phương. Việc áp dụng phương pháp tiếp cận tổng hợp quản lý RTN từ nguồn đã giúp 2 địa phương giải quyết được các vấn đề cấp bách trong quản lý khu vực giữa cửa sông và vùng bờ biển tại LVS Vu Gia - Thu Bồn.
Chính quyền 2 địa phương ở thượng nguồn và hạ nguồn đã cùng thảo luận về hoạt động tăng cường điều phối giữa các bên, để đưa ra phương án ngăn chặn rác thải từ đầu nguồn. Đây là việc vô cùng quan trọng và phù hợp trong bối cảnh ô nhiễm gia tăng ở LVS Vu Gia - Thu Bồn. Qua thảo luận cho thấy, khó khăn của các chính quyền địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam là tìm ra công nghệ xử lý rác phù hợp, vị trí đặt tại các cơ sở xử lý chất thải mới. Trong khi đó, lượng RTN nhất là nhựa dùng một lần lại có dấu hiệu gia tăng; việc phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả; những đồ nhựa sử dụng một lần trên thị trường quá tiện lợi và rẻ nên người dân lạm dụng…
Song song với đó, nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu RTN từ nguồn đã được chính quyền 2 địa phương thực hiện như ban hành các quy định về hạn chế, giảm sử dụng RTN; tăng cường áp dụng mô hình phân loại và tái chế RTN từ nguồn; tập trung vào việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng cho lực lượng ngư dân, tiểu thương, chủ cơ sở nhà hàng, khách sạn nhằm hạn chế các hành vi xả thải; khuyến khích hành động phân loại và tái chế rác có hiệu quả và cam kết không xả thải RTN xuống biển; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như doanh nghiệp thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và RTN.
Từ kinh nghiệm thực tế ở Quảng Nam và Đà Nẵng cho thấy, hiện vấn đề ô nhiễm và xử lý RTN đã được đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có nghiên cứu xác định các nguồn phát thải nhựa từ đất liền hoặc thống kê định lượng về lượng RTN tại vùng biển ven bờ. Bởi nhiều khu vực cửa sông ven biển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do ô nhiễm RTN. Như vậy, cần phải nhân rộng ra các địa phương trên cả nước áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp RTN từ nguồn ra biển. Các địa phương cần chia sẻ trách nhiệm trong việc giảm thiểu RTN. Đồng thời, cùng phối hợp triển khai Chương trình giám sát và thống nhất phương án để thu gom, xử lý, phân loại RTN hiệu quả.
Nguyễn Thế
Viện TN&M biển
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)