Đình làng là nơi đánh dấu sự hiện diện của một ngôi làng, nơi tổ tiên đã chọn để khai sơn lập địa. Bởi vậy, đình làng còn mang yếu tố gia đình, dòng tộc. Và những gì thuộc về gia đình, nguồn cội như mạch nước ngầm chảy mãi.
Nơi tổ tiên đã chọn
Chúng tôi ghé đình Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) vào một ngày cuối năm. Thời điểm này, khắp làng trên xóm dưới của chợ Túy Loan bắt đầu sực nức mùi gạo, gừng, bánh. Đứng trước ngôi đình uy nghi, mái ngói âm dương cùng tấm bình phong lớn được trang trí hình rùa, long mã và câu đối, thấy lòng chững lại, trào dâng niềm thành kính với các bậc khai canh, hương linh của làng. Thấy tôi lừng khừng chưa bước hẳn vào đình, một lão nông đi đồng về nói vọng vào: “Mở cửa vào đi con, đình không bao giờ khóa!”. Phải rồi, từ hàng trăm năm nay, đình có chức năng như ngôi nhà lớn của cộng đồng, là nơi hội họp và là điểm nghỉ chân cho khách lỡ đường. Chính vì mang chức năng là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã nên đình làng chỉ có cổng tam quan chứ không có tường rào vây quanh. Tất cả mọi người dân trong làng đều bình đẳng trong việc sử dụng không gian sân đình.
Lễ rước sắc phong tại lễ hội đình làng Túy Loan năm 2019. Ảnh: Q.Trang
Đình Bồ Bản được trùng tu lần gần nhất vào năm 2015 với kinh phí gần 500 triệu đồng. Dưới tán cây đa cổ thụ bên phải ngôi đình là miếu Thần Nông, được xây bên cạnh miếu Âm linh như lời tri ân đối với vị thần dạy nghề nông và những người ngã xuống để bảo vệ đất đai, làng mạc. Ông Trần Chung (74 tuổi, người dân thôn Bồ Bản) kể vanh vách các lễ cúng xuân kỳ thu tế tại đình làng: “Cứ 3 năm một lần, dân làng chúng tôi tổ chức lễ hội đình làng (vào ngày 16 và 17-3 âm lịch). Ngoài nghi thức lễ tế cổ truyền, phần hội có các hoạt động đua thuyền truyền thống, hò khoan đối đáp, trò chơi dân gian... Đây là dịp để du khách gần xa hiểu thêm về một vùng đất, một phong tục và những con người chân chất đang gìn giữ truyền thống đáng quý của cha ông ngay trên mảnh đất quê hương mình”.
"Ở trong không gian thanh tịnh mà gần gụi của đình làng, mọi người thường gạt bỏ mọi lo toan, bon chen ngày thường để cùng tưởng nhớ về những người thân đã khuất, để biết sống tốt hơn. Đó là khi chúng ta thực sự hiểu giá trị của đình làng là gì rồi đấy” - Lê Duy (SN 2000, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang)
Nếu ở các nơi khác, đình và miếu Thần Nông là hai nơi thờ tự riêng biệt thì ở làng Phong Lệ (thôn Phong Nam, xã Hòa Châu), đình làng cũng là nơi thờ Thần Nông, một hình thức thờ tự độc đáo duy nhất cả nước. Cổng làng Phong Nam khang trang nằm ngay “mặt tiền” quốc lộ 1A tấp nập xe cộ cả ngày lẫn đêm. Nhưng bước qua cổng làng, sẽ mở ra một khung cảnh trang nghiêm, thanh bình và rất tịnh. Ông Ngô Văn Xí, Trưởng thôn Phong Nam dẫn tôi tham quan đình làng, hồn hậu nói: “Vô làng thấy khác liền phải không cô? Dẫu đường làng giờ đã bê-tông hóa, bụi tre cũng vơi đi nhiều nhưng cái không khí miền quê từ ao hồ, kênh rạch, giếng nước, cây đa cho đến đình, miếu, cả sự ngưỡng vọng của dân làng với đình Phong Lệ - nơi thờ Thần Nông thì vẫn giữ nguyên”.
Nhắc đến làng Phong Lệ, không thể không nhắc đến đình Mục đồng, hay gọi là Phong Lệ Đình. Đình được xây theo dạng chữ Đinh nằm ngang, ngói lợp âm dương, long chầu trên mái, hổ phục tiền đường nằm dưới một cây phượng cổ thụ. Theo ông Xí, lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ ngày trước là một trong những hình thức coi trọng nghề nông. Thông qua lễ rước Thần nông, vị thế người nông dân được nâng cao cùng giá trị lao động và sản phẩm của họ làm ra. Đây là lễ hội hình thành từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước mang tính nhân văn cao cả, nét đẹp văn hóa ở các vùng quê. Không chỉ cầu mưa thuận gió hòa, lễ hội mục đồng về sau được dân làng Phong Lệ mở rộng thêm với việc cầu cho quốc thái dân an và tri ân tiền nhân có công khai cơ lập nghiệp.
Bên cạnh các đình làng thờ Thần hoàng, hiện Đà Nẵng còn bảo tồn các lăng, miếu thờ Cá Ông, phân bố chủ yếu tại các vùng ven biển Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu. Hằng năm, các làng ven biển đều tổ chức lễ hội cầu ngư chu đáo, bài bản. Ông Trần Lự (lão ngư ở tuổi ngoài 80, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) vẫn ngày ngày qua Lăng Cá Ông (thuộc khối phố An Thọ, phường Thọ Quang) chăm lo hương khói. Với ông và hàng triệu người sống bằng nghề biển, qua nhiều thế hệ, thì Cá Ông là vị thần linh thiêng trên Biển Đông, ân nhân của người đi biển. Vị thần này được tôn xưng là Thành hoàng làng cá - bảo trợ cho cuộc sống vạn chài. “Hàng trăm năm nay, trải qua nhiều biến thiên thời cuộc, lễ hội cầu ngư vẫn không bị gián đoạn, bằng cách này hay cách khác, người dân miền biển vẫn làm lễ tế Ông hằng năm. Cứ “xưa bày nay bắt chước”, lớp già không còn đứng ra cúng tế nữa thì lớp trẻ thay thế. Ở đâu còn nghề đi biển thì ở đó còn có lễ hội cầu ngư”, ông Lự nói.
Từ tình yêu quê hương, nguồn cội
“Cây đa, bến nước, sân đình” đã đi vào tâm khảm người Việt Nam, như một trong những hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng khi hướng về nguồn cội. Anh Võ Ngọc Bông (SN 1984, nguyên Bí thư Đoàn xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho hay, dù nông thôn ngày nay không còn nét quê như trước, nhưng mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tiếng trống lễ hội đình làng vẫn thúc giục lòng người. “Ngày thường, đình làng được Ban quản lý đình làng chăm sóc, bảo vệ; đến ngày Tết hoặc lễ hội thì con cháu lại hội tụ. Lúc này, con cháu tìm về đình làng là tìm về với nguồn gốc gia đình, tìm về giá trị truyền thống của quê hương. Đây là dịp để người người, nhà nhà thành kính cầu nguyện một năm mới an bình, mùa màng tươi tốt. Đặc biệt, các trò chơi dân gian trong lễ hội đình làng gợi lên những kỷ niệm về tuổi thơ...”.
Đình Bồ Bản - biểu tượng của văn hóa làng Việt. Ảnh: Q.Trang
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, không gian sinh hoạt đình làng hiện nay không đủ sức “níu chân” người trẻ. Nhận định này không sai nhưng có lẽ, những gì thuộc về gia đình, nguồn cội giống như mạch nước ngầm, cần thời gian để neo đậu, mở lối trong sâu thẳm mỗi con người. Đình làng cũng vậy, dường như có sự kết giao âm thầm mà bền chặt trong tâm khảm mỗi người, ví như lúc bình thường có thể không bao giờ nhớ đến, hoặc ít quan tâm, nhưng khi gần Tết hoặc lễ hội thì con cháu lại xôn xao tìm về. Lê Duy (SN 2000, ở thôn Phong Nam, khá quan tâm các vấn đề văn hóa truyền thống) ví đình làng như một cái cây, sinh sôi phát triển phải từ gốc đến ngọn, cái cây muốn sống được thì phải giữ được gốc. Vì vậy, dù chúng ta đã trưởng thành, tung cánh đi muôn nơi, bận bịu với áo cơm nhưng sâu bên trong, ta luôn cần cái gì đó làm điểm tựa, đó chính là gia đình, ông bà, cha mẹ, anh em. Và đình làng thể hiện rõ nhất điều thiêng liêng ấy. Bởi, đình làng mang yếu tố gia đình, là biểu trưng cụ thể hình ảnh quê hương. “Ở trong không gian thanh tịnh mà gần gụicủa đình làng, mọi người thường gạt bỏ mọi lo toan, bon chen ngày thường để cùng tưởng nhớ về những người thân đã khuất, để biết sống tốt hơn. Đó là khi chúng ta thực sự hiểu giá trị của đình làng là gì rồi đấy”, Duy nói.
Những năm gần đây, hoạt động tổ chức lễ hội đình làng trên địa bàn huyện Hòa Vang có sự khởi sắc khi đời sống người dân ngày càng được nâng lên và đặc biệt khi người dân được trao quyền làm chủ lễ hội địa phương thay vì chính quyền đứng ra tổ chức như trước đó. Lúc này, lễ hội đình làng trở thành chất keo gắn kết cộng đồng khi mọi người được “phân vai” cụ thể: Người cao tuổi lo việc cúng kính, cố vấn sắp xếp, tổ chức lễ hội sao cho khoa học, không rình rang mà vẫn bảo đảm các giá trị gốc; phụ nữ tất bật bày biện mâm cúng để không chỉ đủ đầy mà còn đẹp, khéo, tiết kiệm; thanh, thiếu niên đảm nhận tổ chức các trò chơi dân gian… Anh Nguyễn Văn Sỹ (Bí thư Đoàn xã Hòa Phong) cho hay: “Nhiều năm nay, Đoàn viên thanh niên của xã là lực lượng chủ chốt tổ chức các trò chơi trong lễ hội đình làng. Việc có cơ hội tìm về các trò chơi ngày xưa như ô ăn quan, đi cà kheo, đập niêu, bịt mắt bắt vịt… khiến thế hệ trẻ gần gũi, gắn bó với nhau hơn”. Anh Nguyễn Văn Sỹ còn thường xuyên triển khai các hội thi tìm hiểu lịch sử đình làng trên địa bàn nhằm giúp đoàn viên thanh niên nắm bắt nhiều hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương.
Quỳnh Trang