Phong Nha - Kẻ Bàng trong mắt người nước ngoài

Cập nhật: 06/01/2009
Cuối tháng 11/2008, Sứ quán Đức tại Việt Nam tổ chức một chuyến thị sát việc triển khai Dự án Bảo tồn và Quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ngay trong buổi làm việc đầu tiên với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, bà Birgit Wendling, Tham tán phụ trách Hợp tác phát triển đã phát biểu: "Dự án triển khai thông qua tài trợ của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức GTZ, Ngân hàng Tái thiết Đức KFW, có nghĩa là đang sử dụng tiền đóng thuế của người dân Đức. Từ năm 1999 đến nay nước Đức đã tài trợ hơn 1 tỷ euro trong các lĩnh vực kinh tế- chính sách; quản lý thiên nhiên, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam…". Với trách nhiệm đó, bà Tham tán đã có mặt ở tất cả những điểm đoàn thị sát cần đến trong suốt hai ngày làm việc mặc cho Quảng Bình đang kỳ mưa dai dẳng.

Tiến sỹ Joachim Esser, Cố vấn trưởng Dự án thừa nhận: Phong Nha- Kẻ Bàng có đủ điều kiện trở thành điểm thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước. "Vấn đề là phải tiếp cận di sản thiên nhiên theo một chiến lược bảo vệ môi trường bài bản" - ông nhấn mạnh. Hơn một năm nay, ông "ở lỳ" tại Văn phòng Dự án ở Quảng Bình, cùng cán bộ "bản địa" triển khai các công việc khởi đầu và chuẩn bị các điều kiện để giải ngân Dự án. Vào thời điểm này vùng lõi vườn quốc gia đã được mở rộng thêm 31.700 ha thành rừng đặc dụng; khảo sát cung ứng đủ 4.250 ha đất trống đồi trọc và 11.900 ha đất rừng giao cho thôn, bản quản lý rừng cộng đồng. Đó là hai điều kiện tiên quyết khó khăn nhất quyết định tới việc Chính phủ Đức rót tiền vào dự án. Nhưng điều ông Cố vấn trưởng quan tâm nhất lại là việc xây dựng quy hoạch vườn, quy hoạch du lịch, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển thôn bản. Thực ra, đây cũng là vấn đề trăn trở lâu nay của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Mặc dù lượng khách du lịch đến Phong Nha Kẻ Bàng không ngừng tăng trong thời gian gần đây, nhưng nhìn bức tranh thiên nhiên vẫn "đứng yên tại chỗ" không có thêm một dịch vụ nào suốt hàng chục năm qua, người bình tĩnh nhất cũng thấy có lỗi.Thạc sỹ Lê Thế Lực, Phó Giám đốc dự án cho biết, có rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào khu vực này, nhưng tỉnh vẫn chưa quyết vì phải chờ có quy hoạch phát triển tổng thể, "chậm còn hơn phá vỡ" di sản.

Điều thứ hai ông Cố vấn trưởng quan tâm đó là vị trí của người dân trong dự án." Tôi mong ước dự án càng tiếp cận được nhiều người dân càng tốt". Theo ủy nhiệm của dự án, Công ty Tư vấn và Đào tạo Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát, thu thập những số liệu cơ bản phản ánh thực trạng tình hình kinh tế xã hội các nhóm hộ mục tiêu thuộc 13 xã khu vực Vườn Quốc gia và vùng đệm. Những số liệu về đất, cây trồng, vật nuôi, ngành nghề thủ công nghiệp, hộ nghèo, nhân khảo bình quân, các nguồn vốn tín dụng, nhà cửa, đồ dùng lâu bền, nhà ở, những người khai thác tài nguyên vùng đệm, tần suất khai thác rừng, bình quân thu nhập từ khai thác rừng, tập quán, trình độ, năng lực luật pháp…tất cả đều được thống kê, phỏng vấn trực tiếp cán bộ UBND xã và thảo luận nhóm. 12.820 hộ gia đình đã thảo luận, lựa chọn được 9 loại sản phẩm tiềm năng gồm gà, dê, lợn, trâu bòn, mật ong, lúa, ngô, đậu lạc, rau …Chắc chắn đây sẽ là các cơ sở tốt nhất để dự án đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp người dân ổn định đời sống, phù hợp với mục tiêu đầu tiên của dự án là nâng cao thu nhập và việc làm cho người dân vùng dự án.

Cho nên ngay trong thời kỳ đầu, dự án đã tính tới việc xây dựng tuyến đường du lịch sinh thái suối nước Moọc. Con đường gỗ chắc chắn, nép mình vào cây cỏ, vươn qua sông nước, sẽ dẫn du khách tới nơi "nước mọc lên" xanh trong, bất tận. Tuyến du lịch này ngay lập tức được bà Hoàng Thị Hồng Sen, quản lý Chương trình Lương thực vì sự tiến bộ Quảng Bình coi là điểm đến lý tưởng cho tua du lịch cộng đồng chương trình này đang tổ chức thí điểm tại thôn Chày Lập xã Phúc Trạch. Bà Sen cho biết các gia đình tình nguyện tham gia. Chương trình này sẽ được cho vay tiền để làm nhà, mua xe đạp leo núi, thuyền, xuồng cao su, ống nhòm để dẫn khách đến các điểm du lịch trong Vườn Quốc gia. Bà mong ước năm đầu tiên (2009) tua du lịch cộng đồng sẽ tiếp nhận được khoảng 1.000 khách, để rồi sẽ nâng dần lên trong các năm sau. Nghĩa là chí ít tuyến du lịch sinh thái suối nước Moọc của dự án GTZ sẽ tiếp nhận những người khách đến ăn, ở, khám phá dài ngày từ đây." chúng tôi muốn nhiều du khách biết đến Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhưng điều quan trọng hơn là Chúng tôi muốn cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện" - ông cố vấn trưởng dự án nói.

Cũng không phải tình cờ, sau khi giới thiệu khái quát về đa dạng sinh học, ông Thành, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia đã dẫn đoàn tới Khu bán hoang dã rộng gần 20 ha hình thành vài năm nay. " Đây là ngọn núi cô đơn lý tưởng để làm khu động vật bán hoang dã", ông Bernhard Forster, Giám đốc khu (Tổ chức Quản lý chương trình Hội động vật Frankfurt) nhận xét và cho biết họ phải mất hơn nửa năm mới làm xong "hàng rào điện tử" bao khu vực này. Điều đặc biệt là hàng rào này chỉ ngăn không cho động vật bên trong "chạy" ra nhưng lại không ngăn cản động vật bên ngoài "chạy" vào. Ông Forster cho biết tháng 10-2007 họ thả đợt đầu 9 cá thể Vọoc Hà Tĩnh và một Chà Vá chân nâu bị săn bắt bất hợp pháp. Theo kế hoạch họ sẽ thả tiếp 20 Voọc Hà Tĩnh và 20 Chà Vá chân nâu. Những con vật quý hiếm này đều được gắn chíp định vị để người quản lý có thể nghe được âm thanh của từng con, biết chúng đang nằm ở đâu, và sau 3 năm chúng sẽ được trả lại cho rừng xanh (đối với những con thả đợt đầu). Các con thả đợt sau chỉ cần lưu lại trong "hàng rào điện từ" 6 tháng, rồi 3 tháng. Văn phòng của ông Forster nằm ngay bên hàng rào khu động vật hoang dã. Nghe cách ông Forster nói chuyện, thì dường như những con vật hoang dã kia mới là mối quan tâm lớn nhất...

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường