Nằm ở vị trí phía Tây thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang có kết nối giao thông thuận lợi, gần với điểm du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế, Hội An và Mỹ Sơn (Quảng Nam). Hòa Vang có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhờ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều lễ hội đặc sắc, đa dạng các làng nghề cũng như công trình kiến trúc cổ, nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của người Cơ Tu đang sinh sống.
Các homestay trong Khu du lịch Suối Hoa điểm đến tham quan trải nghiệm ưu thích của du khách về du lịch cộng đồng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa bản địa
Với những lợi thế của địa phương, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng với các mô hình homestay mô phỏng theo các nhà Gươl truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cộng đồng, qua đó góp phần bảo tồn, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa của người đồng bào Cơ Tu tại địa phương. Hiện nay, huyện có 8 địa điểm du lịch cộng đồng với các loại hình hoạt động khá mới gồm: Homestay ALăng Như; khu cắm trại Yên Retreat ở xã Hòa Bắc; tiệm Bến với dịch vụ giải khát, chụp ảnh, cắm trại ở xã Hòa Phong; dịch vụ leo núi Wildtrek; trang trại Mẹ Ken; homestay Trại Điên; An Nhiên Farm ở xã Hòa Ninh; homestay tại nhà cổ Tích Thiện Đường ở Hòa Nhơn.
“Để phát triển loại hình du lịch cộng đồng này, từ tháng 5/2019, chính quyền huyện Hòa Vang đã thí điểm hỗ trợ gần 300 triệu đồng để xây dựng mô hình homestay ALăng Như của anh Đinh Văn Như ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc và hỗ trợ gói tư vấn, thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, 'cầm tay chỉ việc' để bà con làm du lịch cộng đồng. Đây là điểm khởi đầu, là nền móng cho việc phát triển Du lịch cộng đồng của huyện Hòa Vang, mới đi vào hoạt động nhưng mang lại hiệu quả về kinh tế, tạo được việc làm. Nhiều người dân ở đây đã chọn du lịch là nguồn thu nhập chính”, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân chia sẻ.
Khu du lịch Suối Hoa điểm đến tham quan trải nghiệm ưu thích của du khách về du lịch cộng đồng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Cũng theo ông Đỗ Thanh Tân, nhờ làm du lịch cộng đồng, văn hóa người Cơ Tu-Đà Nẵng nói riêng và người Cơ Tu-Quảng Nam nói chung được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Qua đó, người Cơ Tu càng có ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa, từng bước thúc đẩy, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Nhờ được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, homestay ALăng Như của Đinh Văn Như đã được xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1. Homestay được thiết kế với ngôi nhà sàn 2 tầng đơn giản, có khả năng đón 30 khách/ngày, nằm giữa khuôn viên rộng của một vườn tre, trúc; sau lưng là khe suối lớn với núi đồi, hòa lẫn vào giữa thiên nhiên của núi rừng. Đến đây, du khách không chỉ được nghỉ ngơi thư giãn, còn được trải nghiệm các phong tục, tập quán trong văn hóa của người Cơ Tu với các điệu múa Tung tung da dá, múa cồng chiêng, hát lý, lội suối bắt cá, lên nương rẫy, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, đan lát… Mô hình du lịch homestay ra đời đã kéo theo việc thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng với gần 50 thành viên là người trong thôn tham gia. Tổ có các nhóm ngành nghề như dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực, cồng chiêng…
“Trước đây cuộc sống của bà con rất khó khăn, chủ yếu đi làm nương rẫy, từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng bà con có thêm công việc mới để làm đỡ vất vả hơn. Các sản phẩm dệt thổ cẩm, đồ lưu niệm do bà con làm ra, con gà nuôi, con cá bắt được dưới suối được bán cho du khách vừa giữ gìn nét văn hóa, khôi phục nghề truyền thống ngày xưa, tạo được thêm sinh kế cho bà con” anh Đinh Văn Như cho hay.
Tương tự, vừa cải tạo lại khu vườn của gia đình trước đây bỏ hoang để làm du lịch sinh thái cộng đồng, chị Huyền Trâm cho biết, với sự tạo điều kiện của chính quyền và hướng phát triển du lịch cộng đồng của huyện; chị Huyền Trâm đã mạnh dạn cải tạo khu vườn thành homestay với mô hình nhà sàn gỗ 2 tầng khang trang, sạch đẹp bên dòng sông Cu Đê thơ mộng của thôn Nam Yên (Hòa Bắc). Mặc dù chưa chính thức khai trương nhưng homestay đã được nhiều người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm; bước đầu đã góp phần vào sự thành công của đề án phát triển du lịch cộng đồng sinh thái của huyện.
Bảo tồn, phát triển văn hóa người Cơ Tu
Thừa hưởng những giá trị văn hóa của địa phương, Khu du lịch Suối Hoa ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (Hòa Vang) đã chung tay cùng chính quyền địa phương, xây dựng thành lập một Làng du lịch cộng đồng văn hóa mang tên “Toom Sara Fest” để hỗ trợ, giúp người Cơ Tu làm du lịch sinh thái cộng đồng. Giám đốc Khu du lịch Suối Hoa, Huỳnh Tấn Pháp cho biết: “Dự án xây dựng lập làng văn hóa “Toom Sara Fest” ra đời từ đầu năm 2020 để mời những người Cơ Tu của huyện Hòa Vang và huyện Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) về sinh sống, cùng làm du lịch cộng đồng. Tại đây, người Cơ Tu tự đứng ra làm du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển theo hướng “trả suối về với tự nhiên” với những cánh rừng tràm sẽ được thay thế bằng rừng lâu năm, nhà tranh truyền thống, cây xanh, môi trường sinh thái”.
Du khách được ở nhà sàn và trải nghiệm các hoạt động giao lưu văn hóa của người Cơ Tu tại Làng du lịch cộng đồng “Toom Sara Fest” - Khu du lịch Suối Hoa. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Hiện tại, Làng du lịch cộng đồng “Toom Sara Fest” có khoảng 30 người Cơ Tu sinh sống, làm du lịch, trở thành cộng đồng người Cơ Tu làm du lịch đầu tiên tại đây. Những nghệ nhân Cơ Tu biết nghề trong làng đã tổ chức các lớp truyền, dạy nghề điêu khắc gỗ, dệt thổ cẩm cho các thành viên trong làng để giúp những người khác tự làm ra các sản phẩm tượng gỗ, váy áo, khăn, ví, túi xách dệt thổ cẩm để bán cho du khách. Làng đã tái hiện lại được các phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu như: Tục “Đi Sim”, các nghi lễ cưới, hát lý, thành lập các đội biểu diễn múa Tung tung da dá, múa cồng chiêng… để phục vụ du khách khi đến làng tham quan du lịch. Hàng tháng mỗi người Cơ Tu trong làng được nhận được từ 4,5-6 triệu/người/tháng để yên tâm làm việc.
Trưởng làng “Toom Sara Fest” ALăng Đợi cho biết, làm du lịch cộng đồng giúp đồng bào Cơ Tu vừa bảo vệ, giữ gìn và phát huy được các bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình; giúp người Cơ Tu ổn định, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo và phát triển bền vững hơn dựa vào làm du lịch.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình chia sẻ, vừa qua, chính quyền huyện Hòa Vang vừa đề xuất lãnh đạo thành phố Đà Nẵng Đề án Du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, huyện Hòa Vang xác định 3 vùng trọng điểm để tập trung phát triển du lịch cộng đồng gồm: Cụm Tà Lang - Giàn Bí; cụm Túy Loan-Thái Lai; cụm Trung Nghĩa-Đông Sơn-Hòa Trung. Đề án đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân làm du lịch và bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng…
Các mô hình du lịch cộng đồng góp phần làm đa dạng thêm cho ngành Du lịch Đà Nẵng. Du lịch cộng đồng không chỉ làm kinh tế, còn phát huy văn hóa của địa phương, chú trọng văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu. Với sức hút của các mô hình, ngành Du lịch chủ động đồng hành, hỗ trợ cùng địa phương trong việc xây dựng, quảng bá các sản phẩm du lịch cộng đồng đến với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Trần Lê Lâm