Theo các chuyên gia, tất cả các dự án lấn biển đều phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bởi, hoạt động lấn biển, đổ đất đá xuống biển sẽ tác động trực tiếp đến hệ sinh thái biển, dễ gây ra hiện tượng xói lở, bồi đắp xung quanh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 05/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã họp trực tuyến về xây dựng Dự thảo Nghị định hoạt động lấn biển.
Theo báo cáo từ Bộ TN&MT, ngày 17/11/2020, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành quy định về hoạt động lấn biển trong năm 2021 tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội. Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các đơn vị liên quan đang tập trung nguồn lực hoàn thiện dự thảo các nội dung quy định trong dự thảo Nghị định.
Dự kiến, nội dung chính của dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 21 điều quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc hoạt động lấn biển; kế hoạch lấn biển của địa phương; kế hoạch lấn biển của dự án đầu tư; cấp phép và thu hồi Giấy phép lấn biển; nghiệm thu, xác nhận diện tích, ranh giới quỹ đất sau lấn biển; quản lý quỹ đất hình thành sau khi lấn biển…
Theo dự thảo này, lấn biển là hoạt động đổ đất, đá và vật liệu khác xuống biển để lấp biển và tạo lập quỹ đất phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội. Và, dự án đầu tư lấn biển là dự án đầu tư có hoạt động lấn biển. Dự thảo cũng quy định rõ thẩm quyền cấp phép hoạt động lấn biển, dự án nào thuộc thẩm quyền cấp của Bộ TN&MT, dự án nào thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết: Nghị định quản lý hoạt động lấn biển là văn bản pháp lý quan trọng, hành lang pháp lý cần thiết trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động lấn biến, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp để làm rõ một số nội dung quan trọng trong dự thảo như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc của hoạt động lấn biển; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động lấn biển; khu vực lấn biển; cấp giấy phép lấn biển; thẩm quyền cấp giấy phép; gia hạn giấy phép lấn biển; đặc biệt là quản lý sử dụng đất lấn biển…
Góp ý xây dựng dự thảo Nghị định, các chuyên gia cho rằng, dự thảo Nghị định cũng cần làm rõ hơn về quy định khu vực không được lấn biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, khu vực biển đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng. Việc cấp phép lấn biển cần rà soát đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan, tránh việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản hiện hành và các quy định trong dự thảo Nghị định này….
Bộ TN&MT khẳng định, quy định cấp phép hoạt động phép lấn biển bản chất là giao khu vực biển để lấn biển. Việc cấp phép sẽ không phát sinh thủ tục mới. Mặt khác, việc cấp phép lấn biển cũng không ảnh hưởng đến thủ tục cấp phép đầu tư dự án. Giấy phép lấn biển chỉ là thủ tục đi theo quyết định đầu tư dự án…
PGS. TS Vũ Thanh Ca - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, dự thảo nên quy định không cho phép sử dụng cát ở biển để lấn biển, trừ trường hợp sử dụng cát nạo vét để lấn biển. Bởi hút cát dưới biển sẽ gây ra xói lở bờ biển, gây thiệt hại kinh tế - xã hội lớn hơn nhiều lần diện tích biển có được khi lấn biển. Hơn nữa, tất cả các dự án lấn biển đều phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bởi, hoạt động lấn biển, đổ đất đá xuống biển sẽ tác động trực tiếp đến hệ sinh thái biển, dễ gây ra hiện tượng xói lở, bồi đắp xung quanh.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ TN&MT cho biết sẽ tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định trong thời gian sớm nhất./.
BL