Giữa những khó khăn u ám bởi đại dịch Covid-19 kéo dài, câu chuyện chuyển đổi số tại các bảo tàng - di tích trong thời gian qua được xem như một cuộc chuyển mình đầy ấn tượng.
Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng iMuseum VFA tại lễ ra mắt ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bảo tàng nhận giải thưởng Chuyển đổi số đầu tiên
Những ngày cuối năm 2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đón nhận tin vui khi trở thành bảo tàng duy nhất được trao Giải thưởng Cơ quan nhà nước, Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc- một hạng mục quan trọng tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 - Vietnam Digital Awards (VDA 2021).
Với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA ra mắt tháng 4/2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đưa những triển lãm, tác phẩm hội họa nổi tiếng của các danh họa Việt Nam lên không gian số. Theo TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ứng dụng iMusem VFA là kết quả của dự án xuất phát từ nhu cầu cải thiện chất lượng tham quan cho du khách, đồng thời nắm bắt được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản mỹ thuật nói riêng. "Đây là nhịp cầu để bảo tàng đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, góp phần xúc tiến du lịch nội địa, chuẩn bị chào đón khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam trong thời gian tới…", TS Nguyễn Anh Minh cho biết. Trên không gian số này, du khách có thể tự do khám phá 100 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Đặc biệt, thời lượng cho mỗi lần sử dụng lên đến tám giờ, với tám ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha và Italy.
Nối tiếp thành công, tháng 8/2021, bảo tàng tiếp tục ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour, giới thiệu không gian trưng bày thường xuyên. 3D Tour liên kết với iMuseumVFA để khách tham quan có thể trả phí, khai thác thông tin chi tiết hơn và tham quan trực tuyến khi có nhu cầu.
Câu chuyện chuyển đổi số cũng được nhìn nhận như một điểm nhấn trong hoạt động của các bảo tàng, di tích trong năm 2021. Phần lớn các bảo tàng đã ứng dụng công nghệ ở các mức độ khác nhau, trên cơ sở xác định bản sắc riêng để thu hút du khách. Hàng loạt "địa chỉ đỏ" trên địa bàn Hà Nội như Di tích quốc gia Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long... thay vì bất lực do bối cảnh đại dịch Covid-19 đã liên tục cho ra mắt những triển lãm online ấn tượng, hấp dẫn. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết, Trung tâm đã đề xuất với TP Hà Nội kế hoạch triển khai đề án phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0, trong đó có nội dung xây dựng sản phẩm tour đêm, kể câu chuyện về đạo học Việt Nam tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng liên tục tạo bất ngờ với những sản phẩm của công cuộc chuyển đổi số, đưa nội dung trưng bày từ đời thực lên không gian ảo.
Chiến lược và chiều sâu
TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chia sẻ, trong cái khó ló cái khôn, bảo tàng đã bắt nhịp xu thế tất yếu của giai đoạn hiện nay và chủ động triển khai chuyển đổi số theo chiều sâu, nối dài các hoạt động ứng dụng công nghệ đã được triển khai trước đây. Trong đó, trưng bày 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia là một trong những thành công, tạo hiệu ứng tốt. Theo ông Đoàn: "Bảo tàng Lịch sử quốc gia quản lý khối tài sản quý giá là những hiện vật, di sản văn hóa, cần phát huy đưa đến công chúng bằng nhiều hình thức, trong đó, số hóa là con đường hữu hiệu".
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, công nghệ không phải "chiếc đũa thần" để gõ vào đâu cũng ra sản phẩm. Chúng ta cần nghiên cứu để có được sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Sản phẩm công nghệ làm ra cần được đầu tư về nội dung, chất lượng và tính đến cách vận hành, quảng bá. Các bảo tàng, di tích cần làm thận trọng, từng bước để đánh giá. Cần phải thực hiện theo chiều sâu và có chiến lược.
Tại Hội nghị gần đây với các bảo tàng, di tích trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương lưu ý, các bảo tàng, di tích cần chú trọng nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa, đẩy mạnh và có chiến lược dài hơi đối với công tác chuyển đổi số; cũng như phải xác định đây là một hướng đi xuyên suốt, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra.
Thanh Mộc