Sẵn sàng cho việc mở cửa, phục hồi ngành du lịch khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động xây dựng các phương án quản lý hoạt động lễ hội, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch.
Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ là lễ hội truyền thống lớn nhất tỉnh Lạng Sơn được tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng (âm lịch). Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên lễ hội được tổ chức với nghi lễ rước kiệu truyền thống mà không có các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian... để đảm bảo công tác phòng dịch.
Tỉnh Lạng Sơn đặt chỉ tiêu đón 3,4 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt 2.600 tỷ đồng trong năm 2022.
Theo thông lệ, sau Tết Nguyên đán có khoảng 300 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các ngành chức năng địa phương đã chủ động phương án quản lý hoạt động lễ hội để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ sở thờ tự, điểm di tích đều yêu cầu quét mã QR tại cổng vào, chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân, du khách nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch….
Năm nay, tỉnh Lạng Sơn đặt chỉ tiêu đón 3,4 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt 2.600 tỷ đồng. Ông Nguyễn Phúc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đưa ra, Lạng Sơn sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Lạng Sơn; Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025; tổ chức khởi công và xây dựng một số hạng mục chính của dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Mẫu Sơn và kết hợp tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa...
Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, một trong những lễ hội văn hóa đặc biệt với đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn được tổ chức từ 22 đến 27 tháng Giêng (âm lịch)
“Chúng tôi đã sẵn sàng các phương án tổ chức đón khách sao cho đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Tại các điểm di tích diễn ra các lễ hội lớn như Lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn), Lễ hội Bủng Kham (Tràng Định), Lễ hội Tả Phủ Kỳ Cùng, chúng tôi đã có hướng dẫn chi tiết với các địa phương để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng thực hiện tốt hướng dẫn của Bộ VHTTDL về cơ sở du lịch an toàn, cơ sở lưu trú an toàn. Đồng thời, Sở cũng thường xuyên trực tổ chức hướng dẫn và kiểm tra trực tiếp tại các điểm mà có đông du khách đến trong dịp này” - ông Nguyễn Phúc Hà nói./.
Duy Thái