(TITC) - Ngày 17/02/2022, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Epson Việt Nam đã đánh dấu quan hệ hợp tác chiến lược trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải các-bon vì một tương lai xanh. Quan hệ hợp tác giữa WWF-Việt Nam và Epson sẽ khởi đầu với nỗ lực kêu gọi hành động từ công chúng và các doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua chiến dịch Giờ Trái đất của WWF, đồng thời, cung cấp các hướng dẫn để doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng năng lượng bền vững nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại Việt Nam và vai trò của ngành năng lượng
Biến đổi khí hậu đang là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên và cuộc sống hàng ngày của người dân các khu vực. Tại Hội nghị Công bố Chỉ số khí hậu toàn cầu (GCRI) năm 2021, theo đánh giá của tổ chức Germanwatch, Việt Nam đứng thứ 13 trên thang đo về mức độ dễ bị tổn thương bởi rủi ro khí hậu. Đồng thời Việt Nam cũng là quốc gia có mức phát thải khí nhà kính tăng nhanh nhất trong Tiểu vùng sông sông Mekong mở rộng với ngành năng lượng chiếm 60% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Bất chấp các cam kết giảm phát thải khí nhà kính (GHG), các cam kết hiện tại đối với ngành năng lượng vẫn còn tương đối thấp.
Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021 tại Scotland, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu mạnh mẽ rằng “Ứng phó với Biến đổi Khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển” đồng thời cam kết “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế… để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”. Tuy việc triển khai năng lượng tái tạo vẫn ở mức hạn chế so với tiềm năng, nhưng với cam kết này của Chính phủ, hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và sự chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng bền vững đã trở nên cấp thiết.
Doanh nghiệp tiên phong sử dụng năng lượng xanh hướng đến một tương lai xanh
Cũng tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng tới chuyển đổi nền kinh tế phát thải ít các-bon và có lộ trình giảm mạnh sự phụ thuộc vào điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp nắm vai trò quan trọng trong việc góp phần quản lý tài nguyên một cách hiệu quả, chuyển đổi mô hình sản xuất và hoạt động một cách bền vững, cũng như thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp với môi trường và xã hội. Cụ thể, những mô hình kinh doanh có trách nhiệm, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sẽ góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu trong dài hạn và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chung.
Giảm thiểu tác động đến môi trường là một trong những mục tiêu của các tập đoàn công nghệ trong việc thúc đẩy xu hướng kinh doanh bền vững. Là tên tuổi hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp in ấn và trình chiếu hình ảnh, Epson không chỉ dẫn đầu xu hướng chuyển đổi các hoạt động trong nội bộ mà còn không ngừng sáng tạo và cải tiến các công nghệ xoay quanh việc việc giảm phát thải nhiệt và hạn chế vật tư thay thế, thông qua đó góp phần giải quyết vấn đề cấp bách về môi trường.
“Mỗi bước chúng ta thực hiện là một bước tiến gần hơn đến một tương lai xanh - sạch, không có các-bon”, Epson đã đưa ra cam kết cống hiến cho sứ mệnh hiện thực hóa Tầm nhìn Doanh nghiệp Đổi mới Epson 25. Các sáng kiến bền vững của Epson xoay quanh việc loại bỏ khí thải các-bon thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu tác động môi trường nhờ phát triển sản phẩm tiết kiệm năng lượng thân thiện với môi trường, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn và phát triển công nghệ môi trường.
Với triết lý kinh doanh hướng tới các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đã được thông qua của Liên Hiệp Quốc cụ thể là mục tiêu số 12 nhằm đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững và mục tiêu số 13 là có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó, ông Tsumara Tsukasa, TGĐ Epson Việt Nam cho biết: “Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, Epson Việt Nam và WWF-Việt Nam kêu gọi công chúng và đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau cùng hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp thông qua việc triển khai một loạt các hoạt động nâng cao nhận thức về rủi ro khí hậu và thực hiện các giải pháp năng lượng bền vững, ứng phó với Biến đổi khí hậu. Trong đó nổi bật là hoạt động Truyền thông báo chí và mạng xã hội trên nền tảng sự kiện Giờ Trái đất của WWF-Việt Nam diễn ra vào tháng 3 năm 2022; Sổ tay về rủi ro khí hậu, các giải pháp giảm các-bon, và sử dụng năng lượng bền vững cho doanh nghiệp; và Hội thảo trực tuyến về biến đổi khí hậu và năng lượng bền vững.”.
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Trưởng đại diện WWF-Việt Nam chia sẻ “Trong phương pháp tiếp cận toàn xã hội mà WWF đang nỗ lực vận động, doanh nghiệp đóng vai trò không thể thay thế trong việc giải quyết những thách thức mà nhân loại đang đối mặt. Việc hợp tác giữa WWF-Việt Nam và Epson Việt Nam là một ví dụ rõ ràng cho sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân trong trách nhiệm chung vì sự phát triển bền vững toàn cầu. Với sự đồng hành của Epson Việt Nam trong chương trình Giờ Trái đất 2022 và các hoạt động khác, chúng tôi kỳ vọng chương trình hợp tác này sẽ nâng cao đáng kể nhận thức của công chúng về các hành động khí hậu và thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đóng góp cho nỗ lực chung về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.”
Trung tâm Thông tin du lịch