Thúc đẩy triển khai thực hiện các hoạt động về bảo tồn và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước

Cập nhật: 29/12/2021
Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 (Kế hoạch). Việc ban hành Kế hoạch là rất cần thiết nhằm góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững đất nước và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra ngày càng phức tạp ở nước ta.

Sự cần thiết ban hành Kế hoạch

Đất ngập nước (ĐNN) có mặt khắp mọi miền Tổ quốc và có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam bởi các dịch vụ hệ sinh thái mang lại cho con người. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhiều vùng ĐNN bị suy thoái về chất lượng và diện tích bởi phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng không hợp lý vùng ĐNN theo đặc tính sinh thái của ĐNN, một số vùng ĐNN nhân tạo gia tăng như các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện, điều này đã dẫn tới nhiều giá trị quan trọng của vùng ĐNN như cung cấp nguồn lợi thủy hải sản, hỗ trợ điều hòa khí hậu, dự trữ nguồn nước, làm sạch môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhận thức được vai trò và giá trị của các vùng ĐNN, Việt Nam đã tham gia Công ước về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar) từ năm 1989. Từ đó đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn các vùng ĐNN, đặc biệt là việc ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN thay thế cho Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN, đã khẳng định sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong công tác quản lý các vùng ĐNN và thực thi Công ước về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar) tại Việt Nam. Nghị định số 66/2019/NĐ-CP được ban hành và triển khai, đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH), quản lý hiệu quả các vùng ĐNN có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, BVMT và ĐDSH trong bối cảnh BĐKH toàn cầu.

Các nội dung của Nghị định số 66/2019/NĐ-CP đã phản ánh bao quát các quy định khung và các chính sách về công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, các yêu cầu của Công ước Ramsar và xu thế chung của quốc tế. Sau khi Nghị định số 66/2019/NĐ-CP  được ban hành, Bộ TN&MT đã tổ chức tuyên truyền và phổ biến nội dung của Nghị định thông qua Đài truyền hình Việt Nam, các phương tiện truyền thông khác; các hội thảo hướng dẫn thực hiện Nghị định tại ba miền: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đồng thời, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 606/BTNMT-TCMT ngày 10/2/2020 về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 66/2019/NĐ-CP nhằm hướng dẫn địa phương trên toàn quốc triển khai hiệu quả Nghị định và đảm bảo tính thực thi của Nghị định trong thực tiễn.

Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen là một trong 9 khu ĐNN của Việt Nam được công nhận là vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế

Cùng với áp lực của sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, để tăng cường hiệu quả thực hiện khoản 2 Điều 4 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP, Kế hoạch chiến lược của Công ước Ramsar, các sáng kiến khu vực về bảo tồn, sử dụng bền vững, phục hồi các giá trị của vùng ĐNN ở quy mô quốc gia và địa phương, ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Việc ban hành Kế hoạch là rất cần thiết nhằm góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững đất nước và ứng phó với BĐKH đang diễn ra ngày càng khốc liệt ở nước ta.

Khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Quyết định 04/2004/QĐ-BTNMT ngày 5/4/2004 của Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt Kế hoạch hành động về bảo tồn và phát triển bền vững ĐNN giai đoạn 2004 – 2010, Kế hoạch hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN giai đoạn 2021 – 2030 (Kế hoạch) đã xác định các vấn đề cần giải quyết trong công tác quản lý ĐNN có tính liên ngành, liên vùng hiện nay của Việt Nam và định hướng các nhiệm vụ chủ yếu, các dự án ưu tiên phù hợp với yêu cầu thực tiễn của các địa phương trên cả nước, các khuyến nghị của Công ước Ramsar và Công ước ĐDSH về bảo tồn và phát huy giá trị của dịch vụ hệ sinh thái ĐNN trên toàn quốc. Đặc biệt, nội dung của Kế hoạch sẽ cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch về môi trường và ĐDSH của quốc gia và cam kết quốc tế, đồng thời là kim chỉ nam và tạo động lực cho các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm thúc đẩy triển khai thực hiện các hoạt động về bảo tồn và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái ĐNN trong quá trình quản lý ngành, lĩnh vực, đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nội dung cơ bản của Kế hoạch

Kế hoạch được xây dựng trên quan điểm bảo tồn ĐDSH; đảm bảo duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng và đặc tính sinh thái các vùng ĐNN trên toàn quốc; đảm bảo hài hòa giữa các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn ĐDSH, BVMT, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các vùng ĐNN của Việt Nam và thích ứng với BĐKH; phát huy các giá trị dịch vụ hệ sinh thái ĐNN phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch đến năm 2025 là hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng ĐNN trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng ĐNN quan trọng, các vùng ĐNN quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng ĐNN quan trọng; tăng diện tích các vùng ĐNN quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc (hiện cả nước có 9 khu ĐNN được công nhận là vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar)); Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam được thiết lập và hoạt động có hiệu quả, trong đó chú trọng các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; 70% các vùng ĐNN quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng ĐNN quan trọng được áp dụng tại một số khu Ramsar.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tất cả các vùng ĐNN quan trọng trên toàn quốc được tổ chức điều tra, đánh giá, quản lý, quan trắc, giám sát theo quy định tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN và hướng dẫn của Công ước Ramsar; Cả nước có 15 khu ĐNN được công nhận là khu Ramsar; tăng số lượng các khu bảo tồn ĐNN; Phục hồi được ít nhất 25% vùng ĐNN quan trọng bị suy thoái; Các vùng ĐNN quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng ĐNN quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn ĐNN, khu Ramsar; Năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN quan trọng được tăng cường.

Từ những mục tiêu cụ thể, Kế hoạch cũng đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện với các nội dung cụ thể.

Đối với nhiệm vụ chủ yếu

Thống kê, kiểm kê các vùng ĐNN và điều tra, xác lập Danh mục các vùng ĐNN quan trọng: Tiến hành thống kê, kiểm kê diện tích các vùng ĐNN trên phạm vi toàn quốc; Điều tra, xác lập danh mục, xây dựng bản đồ và công bố các vùng ĐNN quan trọng ở Việt Nam; Điều tra, đánh giá hiện trạng các vùng ĐNN quan trọng trên toàn quốc, bao gồm: hiện trạng tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, ĐDSH; dịch vụ hệ sinh thái; hiện trạng quản lý; các mối đe dọa đến các vùng ĐNN; xác lập các ưu tiên quản lý các vùng ĐNN quan trọng đến năm 2030; Xác định các vùng ĐNN quan trọng dễ bị tổn thương bởi tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các yếu tố môi trường, BĐKH và có chế độ ưu tiên trong việc quản lý, bảo tồn các vùng ĐNN này.

Thành lập mới các khu bảo tồn ĐNN và mở rộng Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam: Điều tra, xác định các vùng ĐNN quan trọng có tiềm năng thành lập khu bảo tồn ĐNN và triển khai thành lập mới các khu bảo tồn ĐNN trên toàn quốc; Xây dựng hồ sơ, đề cử thành công thêm 06 khu Ramsar và tổ chức hoạt động Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam có hiệu quả; Xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý và kế hoạch tạo nguồn tài chính bền vững cho các khu bảo tồn ĐNN, khu Ramsar; Thực hiện đánh giá hiệu quả quản lý các khu bảo tồn ĐNN, khu Ramsar theo hướng dẫn của Công ước Ramsar và Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nghiên cứu xác định, lượng giá các dịch vụ hệ sinh thái tại một số khu bảo tồn ĐNN và đề xuất áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với một số khu Ramsar và khu bảo tồn ĐNN điển hình.

Phục hồi các vùng ĐNN quan trọng bị suy thoái: Điều tra, đánh giá mức độ suy thoái, nguyên nhân và khả năng phục hồi của các vùng ĐNN quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái tại Việt Nam; Triển khai phục hồi các vùng ĐNN quan trọng bị suy thoái. Ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái tại các khu bảo tồn ĐNN, khu Ramsar và một số hệ sinh thái rừng tràm, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển; Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát các mối đe dọa, đánh giá mức độ tác động đến các vùng ĐNN quan trọng, đặc biệt là các vùng ĐNN quan trọng dễ bị tổn thương.

Xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng ĐNN quan trọng: Xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng ĐNN quan trọng; tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình đã triển khai và phổ biến rộng rãi; Thí điểm các mô hình đồng quản lý, mô hình quản lý có sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng đối với một số vùng ĐNN quan trọng; Triển khai thực hiện áp dụng cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng nguồn tài nguyên ĐNN.

Quan trắc, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng ĐNN: Xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc, giám sát các vùng ĐNN quan trọng trên toàn quốc; lồng ghép hoạt động theo dõi biến động, quan trắc, giám sát các vùng ĐNN trong hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng ĐNN và lồng ghép vào cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐDSH; xây dựng báo cáo về các vùng ĐNN trên toàn quốc và báo cáo về các vùng ĐNN cấp tỉnh; Triển khai kiểm soát, nhằm phòng ngừa và khắc phục các hoạt động có ảnh hưởng đến các vùng ĐNN quan trọng, đặc biệt là các vùng ĐNN dễ bị tổn thương và các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng các vùng ĐNN theo quy định của pháp luật.

Giải pháp thực hiện

Hoàn thiện các văn bản chính sách, pháp luật về quản lý các vùng ĐNN: Xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN trên toàn quốc; Xây dựng tài liệu hướng dẫn cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tại các vùng ĐNN quan trọng; Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN trong hệ thống chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường; Xây dựng cơ chế kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực đến các vùng ĐNN quan trọng.

Tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý về ĐNN: Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý ĐDSH, ĐNN từ trung ương tới địa phương; đa dạng hóa phương thức đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo tồn ĐDSH, ĐNN các cấp; ưu tiên cho cán bộ quản lý khu bảo tồn ĐNN, khu Ramsar, đặc biệt tại các vùng ĐNN quan trọng vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng ĐNN quan trọng trong đô thị nhằm thích ứng với BĐKH; Tăng cường năng lực Cơ quan đầu mối thực hiện Công ước Ramsar và các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN tại các bộ, ngành, địa phương; Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu về bảo tồn ĐNN ở trong nước và ngoài nước.

Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN: Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN; Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN; Xây dựng cơ chế đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN thông qua các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái ĐNN, bồi hoàn ĐDSH, cơ chế chia sẻ lợi ích tại các vùng ĐNN quan trọng và các cơ chế tài chính khác; Huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ quốc tế đầu tư cho các dự án về bảo tồn ĐNN, hoạt động về tuyên truyền cho công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; Phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường tại các vùng ĐNN.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên ĐNN: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN trên phạm vi toàn quốc; Xây dựng chương trình, triển khai các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị, chức năng của các vùng ĐNN và quy định quản lý ĐNN trên toàn quốc; kết nối và cập nhật thường xuyên thông tin về các hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng ĐNN trên trang điện tử Mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam; Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với các đối tượng khác nhau; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN; nhân rộng các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng các vùng ĐNN quan trọng.

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên ĐNN: Xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu về tài nguyên, môi trường, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội của các vùng ĐNN trên toàn quốc; thúc đẩy hoạt động phối hợp nghiên cứu ĐNN với các quốc gia trong khu vực và quốc tế; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN; tập trung nghiên cứu ứng dụng phát triển các mô hình du lịch sinh thái, mô hình cộng đồng, doanh nghiệp tham gia quản lý khu bảo tồn ĐNN, mô hình phối hợp quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên và chia sẻ hài hòa lợi ích tại các vùng ĐNN quan trọng trên toàn quốc; Nghiên cứu triển khai các biện pháp khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH các vùng ĐNN.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐNN:  Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN; Tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm với các nước, tổ chức quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN; Xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tham vấn kỹ thuật với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức và chuyên gia quốc tế hoạt động ở Việt Nam, khu vực và thế giới về xây dựng chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN; Tăng cường các hoạt động hợp tác xuyên biên giới về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN, đặc biệt tại lưu vực sông Mê Công.

TS. Trần Ngọc Cường - Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học 
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

Nguồn: Tạp chí Môi trường