Thông qua các hoạt động trải nghiệm, khám phá bằng câu lạc bộ (CLB), giúp học sinh hiểu biết hơn di sản văn hóa Huế; qua đó, nâng cao ý thức, xây đắp tình yêu quê hương sâu sắc hơn.
Học sinh Trường THPT Thuận Hóa trải nghiệm tham quan cầu ngói Thanh Toàn
Xây đắp tình yêu quê hương
Khảo sát mới đây của Trường THPT Thuận Hóa, 62,3% học sinh khi được hỏi khẳng định rằng rất thích được tìm hiểu về văn hóa Huế. Đây là cơ sở thực tiễn để CLB trải nghiệm văn hóa Huế ở Trường THPT này ra đời.
Theo ThS. Thái Thị Thanh Thủy, Trường THPT Thuận Hóa, học tập theo phương pháp CLB ở trường học không mới, nhưng về nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa Huế thì không nhiều. Thông qua hình thức hoạt động trải nghiệm có tính nghiên cứu, phân hóa; trong đó, tập hợp một cách tự nguyện những học sinh cùng sở thích, sở trường, năng khiếu về một lĩnh vực để cùng đạt mục đích về học tập, sinh hoạt, rèn luyện, vui chơi, giải trí... Việc thành lập CLB đem đến rất nhiều lợi ích cho học sinh và nhà trường, như quản lý và giáo dục một cách bài bản, sáng tạo; tạo ra môi trường lành mạnh cho các em kết bạn, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau trưởng thành và định hướng nghề nghiệp.
Tham gia chuyến trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa ở cầu ngói Thanh Toàn theo hình thức CLB, Dương Hoàng Hương Giang, học sinh lớp 10/4 chia sẻ, trong vai của một học sinh, du khách tham quan, đã giúp em hiểu rõ hơn về giá trị và nét văn hóa cổ kính, lâu đời của Cố đô mà em đang sinh sống.
Khôi Nguyên, lớp 10/4 Trường THPT Thuận Hóa nói, thông qua tương tác, giao tiếp với sự vật, hiện tượng, con người, chúng em có cơ hội được thực hành, thực tế. Điều này đã giúp em phát hiện và chứng minh khả năng của mình; giúp em hình thành những kinh nghiệm, xúc cảm tích cực hướng tới phát triển năng lực cá nhân.
Điều được nhận thấy là thông qua sinh hoạt bằng CLB, giúp các học sinh có cơ hội tìm hiểu, mở rộng hiểu biết về văn hóa Huế. Từ đó, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, định hướng ý thức và hành động đúng đắn để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa...
Được biết, đây là phương pháp giáo dục STEM, là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, phương pháp dạy và học theo hình thức CLB khám phá văn hóa Huế theo hướng giáo dục STEAM ở Trường THPT Thuận Hóa giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn, học sinh thấy được vai trò quan trọng của văn hóa - di sản đối với cuộc sống và mối quan hệ giữa di sản văn hóa với một số lĩnh vực, ngành nghề hiện đại. Lợi ích mang lại còn ở khía cạnh giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, có thể chọn lựa chuyên ngành di sản văn hóa, bảo tồn bảo tàng, hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên hay các nghề liên quan đến công nghiệp văn hóa… trong tương lai.
Thông qua trải nghiệm CLB học sinh có thêm nhiều kỹ năng sống, giúp định hướng nghề nghiệp cho tương lai
Phát triển thành sản phẩm du lịch giáo dục
Theo ThS. Thái Thị Thanh Thủy, tùy theo mục đích, đối tượng tham gia, mà CLB trải nghiệm văn hóa Huế theo hướng giáo dục STEAM lựa chọn nội dung, phương thức tổ chức linh hoạt. Để tăng tính tương tác, CLB tổ chức hoạt động thi tìm hiểu di sản văn hóa, thi sáng tác các tác phẩm có nội dung liên quan đến chủ đề văn hóa hay tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống, thưởng thức các loại hình văn hóa phi vật thể…
Giáo dục STEM đang thực hiện thí điểm tại Việt Nam, chủ yếu áp dụng trong dạy học các môn khoa học tự nhiên, chưa áp dụng nhiều ở lĩnh vực xã hội. Nếu tổ chức tốt các hoạt động của CLB trải nghiệm văn hóa Huế theo hướng giáo dục STEAM, được kỳ vọng không chỉ góp phần giúp học sinh mở rộng hiểu biết về những giá trị văn hóa Huế mà còn tạo ra một phương pháp giáo dục tiên phong, hướng đến trở thành sản phẩm du lịch giáo dục cho Huế. Đây cũng là loại hình du lịch được Huế định hướng phát triển.
Từ mô hình CLB, Trường THPT Thuận Hóa phát triển thành đề tài “Tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ trải nghiệm văn hóa Huế theo hướng giáo dục STEAM” để tham dự cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021 – 2022 và đã giành được giải triển vọng.
TS. Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hóa kỳ vọng, đặc trưng của Thuận Hóa là dạy học kết hợp với các hoạt động trải nghiệm môn học và hoạt động trải nghiệm kỹ năng sống. Điều này đã giúp nhà trường nâng chất lượng đào tạo thời gian qua, bắt nhịp với xu hướng mới. Không dừng ở đó, phản hồi từ các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và du lịch đối với “CLB trải nghiệm văn hóa Huế theo hướng giáo dục STEAM” là rất tích cực. Nhà trường cũng sẽ tiến đến đăng ký thương mại hóa sản phẩm, chia sẻ mô hình với các trường trong cả nước có thế mạnh về văn hóa như Huế áp dụng và đào tạo. Đặc biệt, từ việc kết hợp tham quan và học tập, nhà trường sẽ tham vấn thêm các chuyên gia trong ngành du lịch để phát triển thành một tour du lịch giáo dục trong tương lai.
Bài, ảnh: Đức Quang