Lai Châu: Gắn kết di sản văn hóa với phát triển kinh tế du lịch

Cập nhật: 15/04/2022
Một trong những giải pháp mà tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện hiệu quả trong việc bảo tồn di sản văn hóa chính là gắn kết di sản với phát triển kinh tế du lịch và khai thác bền vững các giá trị di sản bằng cách dựa vào cộng đồng. Bởi trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, chúng ta phải biết cách biến di sản thành tài sản, biến tài nguyên thành tài chính, biến văn hóa thành hàng hóa, biến môi trường thành thị trường.

Du khách tham quan, trải nghiệm nghệ thuật chế tác đàn tính tại bản du lịch Vàng Pheo. Ảnh: Nhật Minh

Tiêu biểu cho những cộng đồng, tộc người trong việc gắn kết di sản văn hóa với kinh tế du lịch, biến văn hóa thành hàng hóa, đó chính là bản du lịch Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam năm 2019”.

“Cái khác của du lịch Sin Suối Hồ so với các điểm du lịch cộng đồng là không phải một doanh nghiệp nào đứng ra chủ trì, mà bà con tự bàn bạc, thống nhất về cách làm; không vì lý do lợi nhuận mà làm mất đi nét đặc trưng về bản sắc, con người nơi đây. Tất cả mọi người dân đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, những đặc trưng riêng biệt của Sin Suối Hồ đến với du khách thập phương trong và ngoài nước” - Trưởng bản Vàng A Chỉnh chia sẻ.

Có lẽ vậy nên những nét đẹp, nét mộc mạc ở Sin Suối Hồ vẫn giữ được vẹn nguyên như: Nhà trệt thưng gỗ, bao quanh ngôi nhà là những cây ăn quả, chậu địa lan hay những giò phong lan đua nhau khoe sắc. Đặc biệt là những món ẩm thực truyền thống như: Gà mèo vùi tro, thắng cố, mèn mén, lợn mèo quay thảo quả..., hay rượu thóc được coi là “mỹ tửu” sẽ cho du khách có những dư vị khó quên mà đã đến rồi thì chắc chắn sẽ trở lại; để rồi được hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên, nụ cười thân thiện, những bài khèn, điệu múa, những bài hát dân ca, giao duyên làm đắm say lòng người của những thành viên đội văn nghệ của bản.

“Để biến tài nguyên thành tài chính, biến văn hóa thành hàng hóa, biến môi trường thành thị trường, thời gian qua, chính quyền tỉnh Lai Châu đã chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đã có 1.199 di sản được kiểm kê; 5 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể được đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 1 di sản được UNESCO vinh danh; 13 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; 56 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục dựng và duy trì tổ chức thường niên.

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở ngày càng phát triển với 858 đội văn nghệ quần chúng. Bên cạnh đó, cùng với phát huy hiệu quả 11 điểm du lịch cộng đồng như: Vàng Pheo, Bản Thẳm, Sin Suối Hồ... thì đến nay, Lai Châu đã hoàn thiện, nâng cấp và đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách như: Khu du lịch Ô Quý Hồ, khu du lịch cầu kính Rồng Mây, giải dù lượn quốc tế và các giải đấu thể thao toàn quốc gắn với phát triển du lịch...

Từ những cách làm hiệu quả ấy, giai đoạn 2016-2020, tổng lượt khách du lịch tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 2.271,662 tỷ đồng. Du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, ông Lương Chiến Công cho biết.

“Giờ đây, bản sắc văn hóa với những món ẩm thực của người Thái ở bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ như: Rêu đá, cá bống vùi tro, xôi màu, hay những bài hát then, nghệ thuật chế tác đàn tính, những điệu múa xòe đã trở thành hàng hóa, sản phẩm du lịch thu hút du khách thập phương. Nhờ đó, Homestay Tâm Nhung có lợi nhuận ổn định khoảng 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng, kết nối tạo việc làm cho các đội văn nghệ của bản...” - chị Lò Thị Tâm, chủ cơ sở Homestay Tâm Nhung chia sẻ.

Du khách trải nghiệm múa xòe trong Tuần văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội, năm 2020. Ảnh: Nhật Minh

Phát huy những kết quả đạt được và góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành các nghị quyết, đề án về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; phát triển du lịch khác biệt với các địa phương trong khu vực; xúc tiến quảng bá du lịch Lai Châu tại Hàn Quốc; tổ chức giải chạy việt dã gắn với chinh phục đỉnh Putaleng và các đỉnh núi khác như Bạch Mộc Lương Tử, Pú Đao; thực hiện đồng bộ các sự kiện du lịch, thể thao toàn quốc gắn với du lịch. Quan tâm làm tốt công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong khu vực và toàn quốc; đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; tập trung khai thác, gìn giữ các giá trị văn hóa tại các điểm đến nhằm phát triển du lịch bền vững.

Từ thực tiễn của việc “gắn kết di sản văn hóa với kinh tế du lịch” cho thấy, nhiều loại hình diễn xướng dân gian, lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dòng họ, tộc người đã được hồi sinh. Điều đó cho thấy, khi di sản văn hóa sống trong cộng đồng được nuôi dưỡng bởi cộng đồng sẽ phát huy được giá trị và phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Nhật Minh

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 14/04/2022