Đam Rông với việc bảo tồn các di sản văn hoá truyền thống

Cập nhật: 21/04/2022
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như huyện Đam Rông.

Đăng cai tổ chức các lễ hội cũng là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn văn hoá các DTTS của Đam Rông

Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời cũng là động lực, nguồn lực nội sinh mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và khu vực đồng bào DTTS nói riêng. Đam Rông là địa phương có hơn 65% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngoài dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên là chủ yếu, trên địa bàn còn có bà con một số dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến sinh sống như: Tày, Nùng, Dao, Mường, Thái, H’Mông... Đây là cơ sở tạo ra sự đa dạng, phong phú về văn hóa trên địa bàn huyện và cũng đặt ra cho địa phương này việc cần thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc.

Trước đây huyện Đam Rông cũng đã có những giải pháp để bảo tồn và phát triển văn hoá. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên phát triển kinh tế vẫn là nội dung được địa phương này tập trung hơn. 

Và, khi Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển huyện Đam Rông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, huyện Đam Rông như có “kim chỉ nam” để thực hiện các nhiệm vụ hướng đến sự phát triển chung. Nghị quyết đã xác định những nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện. Trong đó có việc gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, với khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống và hoạt động du lịch; lựa chọn từ 1 - 2 mô hình làng nghề, buôn truyền thống để phục dựng không gian văn hóa truyền thống (kiến trúc, nhà ở, trang phục, ẩm thực,...), văn hóa phi vật thể (phong tục, tập quán, lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ,...) đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Để thực hiện nhiệm vụ này, hiện, Đam Rông đang đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình được thực hiện với mục tiêu triển khai có hiệu quả chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025 của Trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng và phát triển văn hoá phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay của địa phương...

Theo đó, huyện Đam Rông đã triển khai thực hiện việc nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp huyện và có kế hoạch lưu giữ và truyền dạy. Tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh, thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên trên địa bàn. Bảo tồn và phát huy giá trị các thôn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa kết hợp với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương; từng bước xây dựng, khai thác sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống. Xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đam Rông... 

Để thực hiện có hiệu quả nội dung này cần sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, ngoài Phòng Văn hoá - Thông tin là nòng cốt, các địa phương là trung tâm, huyện Đam Rông còn giao nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức đoàn thể, chính trị - hội cấp huyện và các phòng, ban chuyên môn thực hiện nhiệm vụ này. Nhiều giải pháp đã được các đơn vị, địa phương triển khai song trong đó tuyên truyền vẫn là nòng cốt. Tuyên truyền để từng bước “gạn đục khơi trong” đẩy lùi những hủ tục, giữ lại những bản sắc văn hoá tốt đẹp. Từ đó, làm cơ sở để thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy.

Mặc dù còn nhiều thách thức đặt ra, nhiều vấn đề còn tồn tại và nhiều nhiệm vụ cần triển khai; song, chủ trương đúng đắn về việc gìn giữ những bản sắc văn hoá tốt đẹp trong đồng bào các DTTS đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ phía bà con các dân tộc thiểu số. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo sự ổn định trong xã hội, sự đồng thuận trong Nhân dân, là cơ sở quan trọng để phát triển địa phương đi đúng hướng.

Hoàng My

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 21/04/2022