Vào những ngày tháng Tư lịch sử, thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức tìm về cội nguồn, ghi nhớ, tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc, cho Bắc Nam liền một dải, cho nhân dân được sống trong hòa bình.
9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, xe tăng Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập
Đâu đâu trên khắp dải đất hình chữ S cũng đều thấy hình ảnh các bạn trẻ thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thăm hỏi thương binh và những người có công với cách mạng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, xây cầu, nhà tình nghĩa… Nhưng các thế lực thù địch luôn tìm cách soi mói, xuyên tạc ý nghĩa lịch sử của chiến thắng mùa xuân 1975, gây chia rẽ, hòng làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ ta. Mới đây nhất là câu chuyện về người soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh.
Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có kết luận chính thức về vấn đề này rất rõ ràng, khẳng định tính khách quan và sự thật lịch sử. Bản kết luận ghi rõ: “Vào thời điểm trưa ngày 30-4-1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh”.
Khi cuộc chiến tranh xảy ra, có những dữ kiện lịch sử chưa được xác minh, việc nhiều năm sau khi có đủ các tư liệu chính xác khẳng định thì việc đánh giá lại các sự kiện và nhân chứng lịch sử cũng là điều hết sức bình thường. Và kết luận nêu trên của Thường vụ Quân ủy Trung ương đã hết sức rõ ràng, minh bạch.
Những ý kiến không mang tính xây dựng đã cố tình thổi phồng những chi tiết với mục đích làm cho dư luận quên đi những điều cao đẹp hơn, đáng được trân trọng hơn: đó là nhân sinh quan của những người anh hùng thầm lặng. Câu chuyện của những anh hùng thầm lặng này đã thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và nhân dân ta là đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Câu chuyện của họ đã toát lên tinh thần đồng đội trong sáng và nhân sinh quan lạc quan cách mạng của những chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ.
Người Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng, nay đã bước sang tuổi 91, nói rằng “chỉ cần làm anh hùng trong lòng những người đồng đội chiến sĩ thiết giáp là đủ”.
Cũng giống như câu chuyện của những chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập và tiến vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn, sau năm 1995, khi nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder sang Việt Nam và giới thiệu những tấm ảnh bà đã chụp vào trưa ngày 30-4-1975 thì mọi người mới biết xe tăng 390 mới chính là chiếc xe húc đổ cổng chính và là chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập. Khi được hỏi về việc suốt 20 năm lịch sử vẫn ghi tên chiếc xe 843 là chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập, ông Vũ Đăng Toàn, người chỉ huy chiếc xe tăng 390 cười hiền lành và bảo rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng chiến công của đồng đội cũng là chiến công của mình. Đối với những người lính chúng tôi, xe nào vào trước, xe nào vào sau đâu có quan trọng. Quan trọng là chúng ta đã giành chiến thắng. Lịch sử chỉ diễn ra một lần, trong một thời khắc và chúng tôi là những người may mắn được chọn mà thôi. Chúng tôi thực sự may mắn và hạnh phúc hơn những đồng đội đã nằm xuống trên đường tiến về Sài Gòn - đến thắng lợi cuối cùng”.
Lời nói của các ông giản dị nhưng sâu sắc và khẳng định một sự thật: chiến thắng 30-4 lịch sử là chiến thắng của toàn thể nhân dân Việt Nam!
Việt Trung