Vùng đất Ngọc Hiển, được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái rừng đước lớn nhất nước, với diện tích gần 35.000 ha. Đặc trưng ấy không chỉ mang lại bầu sinh quyển xanh tuyệt vời, là niềm tự hào của người Cà Mau, mà còn là nguồn tài nguyên quý để duy trì, khôi phục nhiều ngành nghề truyền thống như: nuôi tôm sinh thái, tôm rừng, nghề hầm than, làm đũa đước… Trong đó, nghề làm đũa đước giúp nhiều hộ gia đình, tổ hợp tác, làng nghề nơi đây ăn nên làm ra. Năm 2021, sản phẩm này chính thức là sản phẩm OCOP của tỉnh.
Ở Ngọc Hiển có rất nhiều hộ làm nghề đũa đước từ nhỏ lẻ đến kinh tế tập thể, nhưng gia đình anh Trần Văn Vệ, ở ấp Xẻo Mắm, xã Viên An là hộ tiên phong đưa sản phẩm đũa đước trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2021. Nghe từng câu chuyện, đến cách làm và tham quan xưởng sản xuất đũa của gia đình anh Vệ, chúng tôi càng khâm phục sự yêu nghề, sáng tạo và quá trình đưa sản phẩm truyền thống ở địa phương vươn lên bước tiến mới.
Anh Vệ cho biết, trước đây cuộc sống rất khó khăn, ngoài thu nhập từ vuông tôm, gia đình làm thêm nghề vót đũa bằng tay, bán theo đơn đặt hàng của người quen, dần dần đơn đặt hàng tăng lên. Đến năm 2008, khi điện về nông thôn, gia đình đầu tư thêm máy móc, thiết bị như: máy chẻ cây, máy cắt, máy tề đầu, máy rọc vuông, chạy tròn, máy se đầu nhỏ, máy đánh nhám (đánh bóng)… Tuy nhiên, trong quá trình vận hành máy, sản phẩm làm ra vẫn chưa đạt yêu cầu nên anh nghiên cứu, mua thêm các thiết bị khác chế lại và khoảng 5 năm gần đây máy đã vận hành tốt, đúng với yêu cầu đặt ra.
Chiếc đũa sau khi được chạy tròn, se đầu nhỏ, sẽ được chạy máy đánh nhám cho sáng bóng.
Phơi đũa, vô đũa theo số lượng 10 đôi/bọc là công đoạn cuối cùng trong quy trình sản xuất đũa đước.
Hiện nay, với hệ thống máy móc hiện đại, cùng thương hiệu đũa đước OCOP Chí Nguyện, với 2 điểm sản xuất, bình quân mỗi năm gia đình anh Vệ xuất bán ra thị trường khoảng 1 triệu đôi đũa, thu về lợi nhuận 150-200 triệu đồng. Cũng từ nghề này giúp gia đình anh Vệ thoát nghèo năm 2012.
Anh Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Trước đây toàn huyện có 3 hợp tác xã, tổ hợp tác đũa đước và khoảng trên 10 hộ sản xuất, kinh doanh đũa đước nhỏ lẻ. Tuy nhiên, hình thức hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả nên đã giải thể, chuyển sang hình thức hộ kinh doanh cá thể. Hiện địa bàn huyện có trên 20 hộ sản xuất kinh doanh nghề này, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 40-100 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đặc biệt, sản phẩm đũa đước Chí Nguyện đạt OCOP 3 sao thì lượng đơn đặt hàng tăng cao, bởi sản phẩm vừa túi tiền, lại mang đặc trưng vùng ngập mặn Mũi Cà Mau, nên rất được sự ưa chuộng của khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm ở Cà Mau”.
Thời gian tới đây, trong những chuyến hành trình khám phá vùng Đất Mũi Cà Mau, những cơ sở, làng nghề làm đũa đước sẽ trở thành một trong những điểm đến để du khách tham quan, trải nghiệm./.
Loan Phương