Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận là nơi giao hòa của cả ba không gian rừng, biển và bán sa mạc với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, là điểm đến cho những nhà khoa học tới nghiên cứu và du khách muốn khám phá, tận hưởng khí hậu trong lành của thiên nhiên hoang sơ. Năm 2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Vườn quốc gia Núi Chúa là Khu DTSQ thế giới. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, giá trị văn hóa bản địa tại Ninh Thuận. Đồng thời, thể hiện sự đánh giá cao của thế giới đối với các chính sách, cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa bản địa và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
Giá trị của thương hiệu Khu DTSQ thế giới
Khu DTSQ thế giới (DTSQ) là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Theo định nghĩa của UNESCO, Khu DTSQ thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận. Khu DTSQ đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những khu vực phát triển có các mức độ tác động khác nhau (gradiation) của con người; có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao; có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu DTSQ. Ngoài ra, Khu DTSQ còn có đủ những phân vùng thích hợp để thực hiện 3 chức năng của khu DTSQ thông qua: (a) vùng lõi có diện tích đủ lớn, được thiết lập bởi pháp luật, hoặc một vùng được dành riêng cho việc bảo tồn lâu dài; (b) vùng đệm được xác định rõ ràng, bao quanh hoặc kết nối với (các) vùng lõi, nơi dành cho các hoạt động hài hòa với bảo tồn; (c) vùng chuyển tiếp dành cho việc khuyến khích và tạo ra các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững.
Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận, bao gồm: các cơ chế quản lý các hoạt động và khai thác của con người tại vùng đệm; chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho toàn khu DTSQ; cơ chế hoặc đội ngũ quản lý được thành lập để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch đó; các chương trình nghiên cứu, quan trắc, giáo dục và đào tạo. Khu DTSQ được tổ chức thành 3 vùng: Vùng lõi: nhằm bảo tồn lâu dài đa dạng loài, các cảnh quan, hệ sinh thái; Vùng đệm: nằm bao quanh hoặc tiếp giáp vùng lõi (ở đây, có thể tiến hành các hoạt động kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí nhưng không ảnh hưởng đến vùng lõi); Vùng chuyển tiếp: nằm ở ngoài cùng, các hoạt động kinh tế vẫn duy trì bình thường trên cơ sở phát triển bền vững nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên mà khu DTSQ đem lại.
Đa dạng sinh học và hệ sinh thái tại Khu DTSQ thế giới Núi Chúa
Tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13 - 17/9/2021 tại Abuja (Nigeria), hồ sơ đề cử Khu DTSQ thế giới Núi Chúa đã được thông qua và chính thức được UNESCO công nhận là Khu DTSQ thế giới. Khu DTSQ thế giới Núi Chúa có tổng diện tích hơn 106.646 ha, hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc và là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây là nơi sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng của vùng khí hậu khô hạn ven biển của Ninh Thuận, với hơn 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN); 765 loài động vật, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới.
Khu DTSQ Núi Chúa
Khu DTSQ Núi Chúa không những có giá trị bảo tồn tài nguyên rừng mà còn có giá trị bảo tồn tài nguyên biển. Tài nguyên rừng ở đây phong phú và đa dạng với diện tích rừng khô hạn rộng lớn, đặc trưng, độc đáo của Việt Nam; và diện tích rừng thường xanh cây lá rộng xen kẽ cây lá kim đặc trưng của vùng khí hậu á nhiệt đới ẩm còn mang tính chất nguyên sinh. Hệ sinh thái biển bao gồm: Rạn san hô gần bờ, bãi rùa đẻ, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các bãi cát ven biển. Hệ sinh thái san hô gần bờ là nơi sinh sống và trú ngụ của nhiều loài sinh vật biển. Bên cạnh đó, hệ sinh thái cỏ biển thuộc vùng triều tạo nên sinh cảnh độc đáo cho Núi Chúa. Ngoài ra, WWF đã xác định có 3 loài rùa biển quý hiếm là rùa xanh Chelonia mydas, đồi mồi Eretmochelys imbricata và quảng đồng Caretta caretta là những đối tượng có nguy cơ tuyệt chủng đến kiếm ăn và sinh sản tại vùng biển thuộc VQG Núi Chúa. Mặc khác, vùng biển Ninh Thuận – Bình Thuận là nơi giao thoa của hai dòng hải lưu chạy sát bờ là dòng hải lưu lạnh chạy từ phía Bắc xuống và dòng hải lưu nóng từ phía Nam lên; chính điều này đã làm cho vùng biển nơi đây rất giàu chất dinh dưỡng; là nơi sinh sống và di cư của rất nhiều loài thủy sản. Vùng biển Núi Chúa (Ninh Hải) nằm ở vùng có hiệu ứng mạnh của nước trồi. Nhiệt độ thấp vào mùa hè là điều kiện lý tưởng để san hô tạo rạn chống chịu với nhiệt độ cao trong mùa hè do sự ấm lên của nước biển trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, bảo tồn rạn san hô ở đây không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà còn mang tầm quốc tế.
Theo kết quả nghiên cứu về hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam năm 2021, rạn san hô tại Núi Chúa được xem là phong phú về phân bố, đa dạng nhất về hình thái và cấu trúc so với các vùng biển khác ven bờ Ninh Thuận. Tổng diện tích ước tính cho các rạn san hô hiện tại lên đến 2.330 ha. (được ghi nhận là nơi có rạn san hô lớn nhất Việt Nam). Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, rạn san hô nói chung sẽ bị đe dọa và có nguy cơ bị tàn phá. Tuy nhiên, tại vùng biển Núi Chúa nằm trong vùng biển có hiệu ứng nước trồi, nên việc thích ứng với biến đổi khí hậu là rất lớn, nơi đây có thể được xem là nơi lưu giữ các quần thể san hô khi có hiện tượng biến đổi khí hậu tác động vào các khu vực khác của Việt Nam và Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Khu DTSQ Núi Chúa có độ phủ san hô cứng dao động từ 11,3 đến 55,9%, trung bình 30,7 ± 17,2%, trong đó các giống san hô ưu thế là Acropora, Montipora, Porites, Hydnophora, Favites, Merulina và Simularia. Cấu trúc rạn san hô chủ yếu thuộc vào kiểu rạn riềm điển hình và không điển hình, trong đó dạng riềm điển hình là chủ yếu. Dạng riềm điển hình phân bố ở vùng ven bờ Thái An, Mỹ Hòa, Mỹ Tân, Mỹ Tường. Vào những khi triều xuống rạn san hô ở các khu vực này phơi ra một bãi triều rất rộng, có nơi có thể kéo dài đến 500 – 800 m. Hình thái rạn tương đối phức tạp và đa dạng với các tập đoàn san hô phân bố từ mức triều thấp cho đến độ sâu khoảng trên 20m. Mặt bằng rạn thoải và kéo dài, có nơi kéo dài trên 1 km. Điều đặc biệt cần chú ý là dấu vết của quá trình phát triển rạn san hô trong lịch sử địa chất còn được lưu giữ ở nhiều khu vực trên dải ven biển, nhiều nhất là ở khu vực Hang Rái. Khu vực có trên 350 loài san hô, trong đó có 308 loài thuộc 15 họ, 59 giống san hô tạo rạn, 16 loài san hô mềm, 6 loài san hô sừng, 3 loài thủy tức san hô và 1 loài Zoanthid đã được xác định. Điều này cho thấy rạn san hô vùng biển ven bờ Ninh Hải thuộc vào vùng có tính đa dạng rất cao về thành phần san hô tạo rạn.
Thực vật biển trên rạn ở đây bao gồm 188 loài rong biển thuộc 4 ngành, 86 chi và 32 họ trong đó ngành Rong đỏ Rhodophyta có số lượng loài phong phú nhất (79 loài). Trên các rạn san hô vùng Mũi Thị - Mỹ Hòa, cỏ biển mọc xen lẫn trên nền đáy cát và san hô chết tạo nên tính liên kết sinh thái với rạn san hô. Ba loài Enhalus acoroides, Thlassia hemprichii và Cymodocea roundata dược ghi nhận là chiếm ưu thế. Thành phần sinh vật trên rạn cũng khá đa dạng với trên 147 loài thuộc 81 giống và 32 họ cá san hô đã xác định, trong đó họ cá bàng chài Labridae (30 loài), họ cá thia Pomacentridae (24 loài), họ cá bướm Chaetodontidae (18 loài), họ cá Scaridae (11 loài) và họ cá đuôi gai Acanthridae (8 loài) là những họ cá có số lượng loài phong phú nhất. Mật độ cá trên các rạn dao động từ 172 đến 1.984 cá thể, trung bình 628 ± 561,6 cá thể/500m2. Các loài cá có kích thước 11 - 20cm thuộc các họ cá đuôi gai, cá mó, cá phèn, cá đổng thường được bắt gặp trong khu vực này. Một số loài thường tập trung thành từng đàn với số lượng từ 50 - 100 con/loài, có khi lên đến vài trăm con như cá dìa Sgamus spinus, cá thia Chromis atripectoralis và Pomacentrus chrysurus, cá đuôi gai Acanthurus nigrofuscus.
Khu DTSQ Núi Chúa cũng đã ghi nhận 115 loài thành phần thân mềm trên rạn thuộc 3 lớp chân bụng (83 loài), hai mảnh vỏ (31 loài) và song kinh (1 loài). Các họ ốc cối Conidae, ốc mặt trăng Turbidae và ốc nhảy Strombidae, ốc sứ Cyraeidae, ốc gai Muricidae và ốc đụn Trochidae là những họ có số lượng loài tương đối cao. Mật độ của các loài thân mềm kích thước dao động từ 5 - 21 con, trung bình 11 ± 5,9 con/400 m2 trong đó chủ yếu là các loài thân mềm đục lỗ có kích thước bé và không có giá trị. Trai tai tượng được xem là còn phổ biến nhất nhưng mật độ của các loài này chỉ ghi nhận được từ 0,5 - 2,0 con/400 m2 và chủ yếu là loài Tridacna crocea sống trong đá và các khối san hô kích thước lớn. Ngoài ra, Núi Chúa còn có 80 loài giáp xác thuộc 53 giống, 20 họ và 5 bộ được xác định, trong đó bộ Decapoda có số loài nhiều nhất (chiếm đến 86,3% số loài). Một số loài tương đối phổ biến và thường gặp với tầng suất cao bao gồm Leptocheliasp, Cyathura sp. Và Apseudesgallardoi. Thành phần da gai bao gồm 13 loài, 8 giống và 8 họ, trong đó các loài Ophiocoma scolopendrina, Holothuria sp và Phyllophorus erinaceus phổ biến trên vùng triều san hô chết. Bước đầu cũng đã ghi nhận được 60 loài thuộc 22 họ giun nhiều tơ trên các bãi riều, trong đó có các loài Ceratoneris mirabilis, Nematonereis unicornis và Typosyllis sp. xuất hiện với tần suất cao.
Khu DTSQ Núi Chúa là một trong những bãi đẻ và lớn lên của rùa hiếm hoi còn lại vùng ven bờ của đất liền ở Việt Nam. Một số bãi cát nhỏ bao gồm bãi Ngang, bãi Thịt, bãi Móng Tay là những nơi làm tổ của rùa biển. Những bãi biển của Khu DTSQ Núi Chúa là một trong những bãi làm tổ ở vùng lục địa quan trọng nhất của rùa biển có nguy cơ bị tuyệt chủng trong khu vực và toàn cầu như: Chelonia mydas, Eretmochelys imbricata và Caretta caretta. Một số loài khác bao gồm trai tai tượng Tridacna squamosa và Tridacna crocea, ốc đụn (Trochus niloticus) cũng nằm trong danh sách bị đe dọa, có nguy cơ bị tuyệt chủng ở cấp quốc gia hoặc toàn cầu.
Một số giải pháp đề xuất phát triển bền vững khu DTSQ Núi Chúa
Để phát triển bền vững Khu DTSQ Núi Chúa, thời gian tới, cần nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của các khu DTSQ đối với việc bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học phong phú trên đất liền, trên biển, trên núi khu vực khu DTSQ Núi Chúa; Xây dựng, ban hành Quy chế quản lý Khu DTSQ thế giới Núi Chúa xác định rõ vùng lõi là khu dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, giám sát diễn thế các hệ sinh thái; cho phép các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục mà không làm ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học của khu vực. Nhiệm vụ chính của vùng lõi là bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên còn tương đối nguyên vẹn, bảo tồn các nguồn gene động và thực vật quý hiếm, các loài đặc hữu của Khu sinh quyển. Vùng đệm là khu vực bao quanh vùng lõi, góp phần hạn chế các hoạt động của con người, giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở các vùng lõi. Nhiệm vụ chính của vùng đệm là phục hồi hệ sinh thái rừng, nghiên cứu cơ cấu phục vụ yêu cầu bảo tồn, tuyên truyền giáo dục kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái.
Ngoài ra, vùng chuyển tiếp Khu DTSQ thế giới là vùng tập trung đông cộng đồng dân cư địa phương nên cần được khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân; Huy động sự tham gia tích cực của các bên liên quan tại địa phương nhằm tăng cường các hoạt động du lịch sinh thái, su lịch biển tại khu DTSQ Núi Chúa vì mục tiêu phát triển bền vững và 1 nền kinh tế xanh; Tham gia mạng lưới Khu DTSQ vùng biển, hải đảo của Thế giới; Tham gia, tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong mạng lưới, thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục, du lịch sinh thái trong nước và quốc tế…
Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu biển và hải đảo